MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Quy hoạch đô thị và nông thôn phải tránh tình trạng chạy theo tuyến đường

PHẠM ĐÔNG LDO | 24/11/2023 17:19

Ngày 24.11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, không gian sống, tương lai phát triển, sinh kế của người dân được lập ở tầm quốc gia, TTXVN đưa tin.

Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch phải là công cụ để cụ thể hóa, hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi năng lượng, kết cấu hạ tầng, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn phải kết nối về mặt không gian của các quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, chuyên ngành.

Bên cạnh việc làm rõ, hoàn thiện các căn cứ pháp lý, đơn vị tư vấn, Phó Thủ tướng yêu cầu, các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng, bổ sung khái niệm, tiêu chí làm cơ sở, phương pháp lập quy hoạch, "tiếp cận đầy đủ thông tin về môi trường thiên nhiên, biến đổi khí hậu, bản đồ địa chất, địa mạo… để quyết định chức năng, điều kiện cụ thể cho sự phát triển đô thị, nông thôn.

"Quy hoạch phải chỉ ra những vấn đề về quản lý, phương pháp luận, các tồn tại, hạn chế ở đô thị, nông thôn, từ đó, xác định công việc trước mắt, lâu dài và lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp", Phó Thủ tướng gợi mở.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Nêu một số định hướng xuyên suốt khi lập, triển khai quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch cần chú ý đến không gian sinh tồn, bảo tồn, các yếu tố văn hóa, tự nhiên, cùng với không gian vùng đệm, cuối cùng là không gian phát triển.

Đồng tình với quan điểm “không có hạ tầng thì không thể phát triển”, Phó Thủ tướng lưu ý, tránh tình trạng “chạy theo tuyến đường” thay vào đó là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Đồng thời, quy hoạch làm rõ hơn kinh tế nông thôn về dịch vụ, thương mại, du lịch, chế biến, phát triển làng nghề...; chú trọng những nét khác biệt và đặc trưng văn hóa của nông thôn ven biển, miền núi, đồng bằng, trong đó, chú trọng chất lượng môi trường thiên nhiên cũng như giá trị vốn có của nông thôn.

Phó Thủ tướng yêu cầu phân tích đầy đủ các mô hình thực tiễn để xác định hướng phát triển tiếp theo của đô thị chùm, đặc biệt vệ tinh thành phố trong thành phố; xây dựng các tiêu chí toàn diện để hình dung, nắm bắt không gian hiện tại, giải quyết các bài toán trong tương lai.

Theo báo cáo tại cuộc họp, đến trước thời điểm lập quy hoạch, cả nước đã có nhiều đô thị trung tâm quốc gia, cấp vùng, chuyên ngành; bước đầu hình thành các vùng đô thị cấp quốc gia, cấp vùng. Không gian hành chính đô thị mở rộng ở các 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đô thị hóa nông thôn diễn ra ở nhiều nơi.

Đến năm 2030, dự kiến tỉ lệ đô thị hóa cả nước đạt trên 50% với khoảng 1.000-1.200 đô thị, bao gồm 4 vùng đô thị (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Cần Thơ). Khu vực đô thị sẽ đóng góp khoảng 85% GDP cho nền kinh tế.

Khu vực nông thôn được quy hoạch, phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững; giữ ổn định xã hội nông thôn, nâng cao dân trí, bảo đảm an ninh, trật tự…

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, cả nước có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Nguyên tắc, tiêu chí phân bố tổ chức khu dân cư nông thôn gắn với vùng sinh thái nông nghiệp, tự nhiên, bảo đảm sinh kế với các hoạt động kinh tế đa dạng, gìn giữ bản sắc văn hóa, phòng tránh thiên tai, sạt lở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn