MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII, ngày 31.3.2016. Sau đó, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV, bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khoá XIV. Ảnh VGP

Quy trình bầu Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội như thế nào?

Bằng Linh LDO | 15/03/2021 17:49
Kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIV (khai mạc sáng 24.3 và bế mạc ngày 8.4) sẽ tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Quy trình bầu các chức danh này như thế nào?

Theo thông lệ, đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới, việc bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, do yêu cầu kiện toàn ngay bộ máy nhân sự để cả nước sớm triển khai những nhiệm vụ mới theo Nghị quyết Trung ương khoá XIII của Đảng nên công tác nhân sự được làm ngay tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV này. Đến tháng 5.2021, Quốc hội khoá mới sẽ tiếp tục bầu, phê chuẩn nhân sự khoá XV.

Quy trình bầu cử thực hiện theo những quy định tại Nghị quyết 102/2015/QH13 ngày 24.11.2015 của Quốc hội về việc ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội.

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.

2. Ngoài danh sách do Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh Chủ tịch Quốc hội.

3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử;

5. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội.

6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.

8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

9. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội.

10. Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.

Quy trình bầu Chủ tịch Nước

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Nước.

2. Ngoài danh sách do Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch Nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

5. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Nước.

6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Quốc hội bầu Chủ tịch Nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

9. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch Nước.

10. Chủ tịch Nước tuyên thệ.

Quy trình bầu Thủ tướng Chính phủ

1. Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.

2. Ngoài danh sách do Chủ tịch Nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Thủ tướng Chính phủ; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, mời Chủ tịch Nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

5. Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

7. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ.

8. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

9. Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

10. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

11. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ.

12. Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn