MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) - Ảnh: QH

Quyền của vật nuôi chỉ có trong văn thơ chứ không thể có trong luật

Xuân Hải LDO | 14/06/2018 17:53

“Khái niệm này tôi thấy không chuẩn vì khi nói đến quyền và nghĩa vụ thì luôn luôn gắn với con người và tổ chức, không thể nào nói quyền của vật nuôi hay cây trồng, nếu có chỉ trong văn thơ chứ không thể có trong Luật. Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại”, đại biểu Lê Xuân Thân nói.

Chiều 14.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chăn nuôi. Cho ý kiến về vấn đề giải thích từ ngữ trong dự án Luật, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng quy định như trong dự án Luật là chưa hợp lý. Đại biểu Thân nói thêm, hiện nay có nhiều loại chim nhưng tại sao chim cút lại được vào dự thảo Luật, còn các loại chim khác thì không?

Đại biểu Thân nêu ví dụ như chim yến, ở Khánh Hòa người dân xây cả nhà cho chim yến. Rồi nuôi ong, sâm cầm, chó mèo, chuột bạch…, những loài vật này được gọi là gì, nên có giải thích từ ngữ theo hướng mở.

Theo đại biểu Thân, dự thảo Luật có quy định rất lạ đó là quyền của vật nuôi. Tại điều 50 quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, điều 51 là đảm bảo quyền của vật nuôi.

“Khái niệm này tôi thấy không chuẩn vì khi nói đến quyền và nghĩa vụ thì luôn luôn gắn với con người và tổ chức, không thể nào nói quyền của vật nuôi hay cây trồng, nếu có chỉ trong văn thơ chứ không thể có trong Luật. Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại”, đại biểu Thân nói.

Vẫn theo đại biểu Thân, vấn đề nêu trên là cần thiết, hiện nay trên thế giới có những quy định bảo vệ động vật, như không được gây đau đớn cho vật nuôi. Đại biểu Thân ví dụ, ở Ý hay Thụy Sĩ có quy định không cho phép đưa con tôm hùm vào nồi lẩu đang sôi, đó là việc đối xử nhân đạo với vật nuôi. “Đối với nước ta, tinh thần này đưa thế nào vào Luật cho phù hợp nhưng không thể nói là quyền của vật nuôi”, đại biểu Thân nói.

Đại biểu Thân cũng đề nghị Ban soạn thảo viết lại, thể hiện lại điều luật, nếu không sẽ cho ra đời một nghề hết sức lạ đó là nghề thụ tinh nhân tạo. Điểm b khoản 3 điều 41 quy định: Đối với người hành nghề thụ tinh nhân tạo, phải có trình độ từ trung cấp trở lên, được đào tạo về thụ tinh nhân tạo.

Trong khi đại biểu Thân đọc quy định này, nhiều đại biểu Quốc hội đã phì cười. Sau phần góp ý của đại biểu Thân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người điều hành phiên thảo luận chiều nay đã nhận xét: Đại biểu đã góp ý rất sâu sắc.

Trước đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và bản đồ với tỉ lệ tán thành cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn