MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiều 7.5.1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đánh dấu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: TTXVN

Quyết chiến quyết thắng, hiệp đồng chặt chẽ ở chiến dịch Điện Biên Phủ

Nguyễn Hữu Mạnh LDO | 07/05/2022 08:17

Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2022) là một ví dụ điển hình cho tinh thần quyết chiến quyết thắng, vượt qua khó khăn để giành lấy chiến thắng vinh quang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. 

Tương quan lực lượng

Cho đến mùa xuân năm 1954, tổng số quân Pháp tăng lên đến 480.000 quân gồm khoảng 267 tiểu đoàn bộ binh, 25 tiểu đoàn pháo binh. Ngoài ra, quân đội Pháp được sự viện trợ to lớn từ Hoa Kỳ (chiếm tới 73% tổng số chiến phí ở Đông Dương) nên xây dựng 10 trung đoàn cơ giới và sở hữu nhiều vũ khí hiện đại như 580 máy bay chiến đấu, 25 máy bay thám thính và liên lạc...

Tuy vậy, khi so sánh lực lượng hai bên, tướng Navarre là tổng chỉ huy quân Pháp nhận định rằng quân đội Pháp sau một thời gian “nay rõ ràng đã thua kém quân đội Việt Minh” và thừa nhận rằng sự cơ động của quân Pháp nay cũng không còn: “Trong khi Việt Minh có 9 đại đoàn cơ động thì ta chỉ có 3 sư đoàn (7 binh đoàn cơ động và 8 tiểu đoàn dù)”.

Linh hoạt, hiệp đồng tác chiến

Trải qua nhiều chiến dịch, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trưởng thành dưới sự đùm bọc và che chở của nhân dân nên bộ đội chủ lực của ta thực sự lớn mạnh, trở thành đối thủ đáng gờm với quân thù. 

Bước vào Đông Xuân năm 1953-1954, kế hoạch tập trung lực lượng cơ động của tướng Navarre bắt đầu bị phá sản, 44 tiểu đoàn cơ động tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ bị xé ra để cùng với lực lượng cơ động huy động từ các chiến trường khác để tập trung đối phó trên nhiều hướng tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm như ở Điện Biên Phủ, Pleiku và nam Tây Nguyên, Luông Pha Băng (Lào). Trong thời gian này, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật sử dụng bộ đội chủ lực của ta ngày càng tỏ ra linh hoạt và chủ động hơn hẳn địch.

Địch muốn kéo bộ đội chủ lực của ta về đồng bằng, hoặc nếu không được thì giam chân chủ lực ta vào thế bị động, phải bảo vệ vùng tự do của ta, nhưng ta lại điều chúng lên vùng rừng núi, buộc chúng phải phân tán khối chủ lực trên nhiều hướng. Quân đội ta sử dụng lực lượng bộ đội địa phương, kể cả một bộ phận chủ lực để chống địch càn quét và bảo vệ vùng tự do, còn các đại đoàn cơ động được sử dụng linh hoạt. Có lúc phân ra nhiều hướng để kéo địch ra, có lúc lại tập trung để bao vây cứ điểm. Đang bao vây địch ở Điện Biên Phủ, ta lại điều một bộ phận sang một hướng khác để tác chiến như cấp tốc đưa Đại đoàn Quân Tiên phong 308 sang tác chiến ở thượng Lào, phá tuyến phòng thủ sông Nậm Hu, buộc chúng phải điều quân cơ động về giữ Luông Pha Băng. Vừa xuất hiện và chiến đấu thắng lợi ở nơi xa đó, đơn vị này lại nhanh chóng rút về để kịp tham gia cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Dương đông kích tây, thoắt ẩn thoắt hiện, ta đã làm cho Bộ chỉ huy của quân địch không sao phán đoán được ý định chiến lược và kế hoạch tác chiến của ta, do địch phải phán đoán mò mẫm và xử trí bị động: Tướng Navarre không muốn tác chiến ở rừng núi nhưng lại phải tung chủ lực lên chiến trường rừng núi, không có ý định chiếm Điện Biên Phủ nhưng lại phải đổ quân dù tinh nhuệ xuống đó, buộc phải tăng thêm quân để biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương. Nhờ sự chủ động, linh hoạt trong tác chiến mà chúng ta đã giành thắng lợi cuối cùng ở Điện Biên Phủ trước quân viễn chinh Pháp.

Chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của đế quốc Pháp ở Đông Dương và mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc trên thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: “Như vậy, đối với các hướng chiến lược khác trên cả nước, chúng ta tiến công vào những nơi hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở thì trên hướng Điện Biên Phủ, chúng ta đã hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Đó cũng là biểu hiện sinh động sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Trung ương Đảng ta”.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã hình thành và ngày càng phát triển trong quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống Pháp mà biểu hiện tập trung cô đọng của nó là tinh thần quyết chiến quyết thắng và với sự phát huy tinh thần mạnh mẽ của nó như một tinh thần thép trong việc tạo sức mạnh chiến thắng của 55 ngày đêm tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm dịch nói riêng, của toàn bộ quá trình chuẩn bị và tiến công chiến dịch nói chung. 

Cái tên Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần đánh giặc của dân tộc ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn