MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Tất Thảo

Rà soát quy định pháp luật đối với trường mầm non, đảm bảo an toàn cho trẻ

Nhóm PV LDO | 31/05/2024 06:10

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, vụ trẻ tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình là một lời cảnh báo mạnh mẽ, do vậy, cần hành động, cần rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan đến trường mầm non, trẻ mầm non, để làm sao không tái diễn.

Khi xảy ra mới xử lý là quá muộn

Theo nữ đại biểu, trong vụ việc này, trách nhiệm trước hết là của người phụ trách đưa đón, người lái xe. Trước khi đón, người đưa đón phải kiểm đếm học sinh; khi xuống xe cũng như vậy để xác định “đầu vào, đầu ra” như thế nào.

Cùng với đó là trách nhiệm của cô giáo phụ trách lớp học. Một lớp thường có 2 cô giáo phụ trách trở lên. Nếu thấy trẻ nào vắng mặt thì cần liên hệ với phụ huynh học sinh để hỏi thông tin, hỏi lý do.

“Tôi thấy trong vụ việc này, mối liên lạc giữa nhà trường và gia đình vẫn chưa được thường xuyên, trong khi hiện nay không khó để triển khai thực hiện” - theo nữ đại biểu, qua những vụ bỏ quên trẻ trên xe nhiều năm gần đây, cần rà soát quy định pháp luật đối với các trường mầm non, kể cả công lập và tư thục; quy chế hoạt động của các trường, nhất là các trường tư thục. Từ đó bổ sung những quy định chặt chẽ hơn, chứ không phải đến khi có vụ việc xảy ra mới xử lý, xem xét, bởi như vậy đã muộn.

“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần rà soát các quy định để chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng chăm sóc trẻ bậc mầm non. Vì trẻ mầm non là mầm xanh của đất nước” - nữ đại biểu nói.

Cần quy định rõ tiêu chuẩn người đưa đón trẻ

Cùng trao đổi về vụ việc này, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, phải lựa chọn những người đưa đón trẻ, chứ không phải là không xếp được việc gì thì cho đi đưa đón.

“Người được chọn phải được xem xét là có chu đáo, tâm lý hay không. Chọn lái xe cũng vậy” - đại biểu nói.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, đối với giáo viên mầm non, đã có các tiêu chí, tiêu chuẩn tương đối đầy đủ. Đối với người đưa đón trẻ, cũng cần phải được lựa chọn, tiêu chuẩn hóa.

Ngoài ra, nhiều lái xe đang làm chưa đúng quy trình đưa đón học sinh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề Quốc hội có nên đưa ra giám sát mô hình xe dịch vụ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, nếu vấn đề nào cũng đưa ra Quốc hội giám sát tối cao sẽ không hợp lý, bởi vì không có thời gian, nguồn nhân lực tổ chức.

Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, tùy vào tình hình của các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành phố có thể giám sát về vấn đề này. Ví dụ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhu cầu việc dùng xe đưa đón là rất lớn, có thể tổ chức giám sát. Còn đối với một số tỉnh không có loại hình này là không cần thiết bởi không có đối tượng giám sát.

“Các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến nội dung này, đặc biệt là đối với những địa phương từng có xảy ra vụ việc đau lòng. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt trong việc này để đảm bảo cho học sinh” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói, đồng thời chia sẻ, nhà trường vốn được coi là nơi an toàn cho con trẻ mà bây giờ xảy ra nhiều vụ việc thương tâm, tai nạn học đường là đáng báo động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn