MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS trẻ Hoàng Thanh Tùng nhận thẻ đăng ký hiến tạng. Ảnh: T.L.

Bác sĩ trẻ sững sờ trước đôi mắt của người mẹ đã khuất "sống" trong cơ thể người khác

Thùy Linh LDO | 02/11/2017 06:50
Sáng 1.11, ngay sau khi vừa bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú, BS trẻ Hoàng Thanh Tùng (SN 1990) đã tới Trung tâm điều phối tạng Quốc gia đăng ký hiến tạng sau khi chết não.

Điều đặc biệt, anh là con trai BS Vũ Thị Thoa– nữ BS đầu tiên đã hiến tặng giác mạc sau khi ra đi vì căn bệnh ung thư vú, mang lại ánh sáng cho 2 người khác. 

Câu chuyện về người nữ bác sĩ Vũ thị Thoa hiến tặng giác mạc trước khi qua đời đã khiến cho nhiều người xúc động.

Ngày 30.8.2016, bác sĩ Vũ Thị Thoa - nữ BS Trưởng khoa Mắt tại BV 19-8 Bộ Công an đã ra đi sau 20 năm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Dù tâm nguyện của bác sĩ Thoa muốn hiến toàn bộ nội tạng nhưng vì căn bệnh ung thư đã di căn nên không thể làm được điều này, chỉ có thể hiến được đôi giác mạc. Hành động của BS Tùng hôm nay, như một sự tiếp nối những điều tốt đẹp mà mẹ của anh đã làm khi còn sống.

Sáng 1.11, tại Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, chàng trai trẻ đã vinh dự cầm trên tay tấm thẻ đăng kí hiến tạng của cơ thể cho y học. Anh xúc động chia sẻ: "Dù có ý định đăng ký hiến tạng từ lâu nhưng tới hôm nay, sau khi đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú, chuyên khoa Mắt của BV Mắt Trung ương, Tùng đã quyết định đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mình bằng một việc làm có ý nghĩa.

Đó cũng là cách để Tùng tri ân với cuộc đời khi mình sinh ra may mắn được khỏe mạnh, được học hành và đã nhận về từ cuộc đời này rất nhiều điều tốt đẹp".

Với bác sĩ trẻ này, hiến tạng sau khi chết não là việc để lại những điều tốt đẹp sau khi mỗi người ra đi. 

Lâu nay, mọi người vẫn nghĩ "chết phải toàn thây" nhưng với Tùng quan niệm đó là chưa đầy đủ, và cũng không có tôn giáo nào trên thế giới này lại không ủng hộ chuyện hiến mô tạng.

“Ai trong chúng ta từng có người nhà suy tạng, chết mòn chờ đợi nguồn tạng thì sẽ hiểu được giá trị lớn lao của việc hiến mô tạng. Trong khi ai rồi chết đi cũng sẽ chôn vùi dưới ba tấc đất hay thiêu thành tro bụi vậy cớ sao lại để phí hoài bao nhiêu nguồn sống?”.

Lần đầu được bác sĩ cho xem hình ảnh giác mạc của mẹ mình "sống" trong đôi mắt người khác, Tùng rất xúc động, rất hạnh phúc: "Đôi mắt ấy rất đẹp, tôi thấy hạnh phúc vì mẹ vẫn tồn tại trên đời, hạnh phúc vì mẹ và gia đình đã làm được việc làm ý nghĩa, giúp đỡ được nhiều người khác”.

Tới thời điểm này, Tùng và gia đình vẫn chưa được gặp lại những người đã nhận giác mạc từ mẹ. “Mình làm việc thiện không nhất thiết phải để người khác biết hay nhớ tới mình, hay mang ân huệ. Bản thân tôi vẫn luôn giữ liên lạc với bác sĩ điều trị cho người nhận giác mạc từ mẹ. Đó là kênh gián tiếp để tôi biết, giác mạc của mẹ hiện tại vẫn rất tốt trên cơ thể người khác”, anh tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn