MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khẳng định hành vi trả lại đơn khởi kiện về chiếm đoạt bảo hiểm của các tổ chức công đoàn là “không đúng luật”. Ảnh: Đ.THÀNH

Rào cản pháp lý cần được giải quyết

ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI LDO | 20/11/2017 12:17
Vấn đề doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động đang ở mức đáng báo động. Tuy nhiên, rào cản để xử lý tình trạng này là những bất cập trong quy định của pháp luật, hoặc là sự “tùy tiện” của cơ quan tiếp nhận đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn.

2,6 triệu lao động bị nợ BHXH với số tiền 14.700 tỉ đồng

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) - Uỷ viên ĐCT, Trưởng ban Quan hê Lao động Tổng LĐLĐVN - cho biết trong số 500.000 DN của VN mới chỉ có một nửa trong số này thực hiện việc đóng BHXH cho người lao động. “Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ, tác động đến an sinh xã hội rất lâu dài” - ông Hiểu đánh giá.

Tại phiên chất vấn Chánh án TANDTC sáng 18.11, ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nêu vấn đề mà đông đảo cử tri là cán bộ CĐ và NLĐ rất quan tâm và bức xúc. Đó là tình trạng mỗi khi tổ chức CĐ nộp đơn khởi kiện DN không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ tới tòa án thì “tất các đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn đều bị Tòa án trả lại. Lý do trả lại đơn khởi kiện cũng không thống nhất” - ĐB Hạnh nói.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cung cấp thông tin hiện có 102.900 đơn vị còn đang nợ bảo hiểm. Nợ của 2,6 triệu lao động, với số tiền nợ là 14.700 tỉ đồng. BHXH đã khởi kiện 8.840 vụ và yêu cầu trả khoảng 6.000 tỉ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ và tuyên các DN phải trả và thu hồi được 16% số nợ bảo hiểm phải trả. Còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.

“Tôi cũng đã nêu quy định của luật giao cho bảo hiểm có quyền kiểm tra, xử phạt. Sau kiểm tra, xử phạt, trình tự hành chính xong tòa mới giải quyết. Chính vì vậy, tòa có công văn yêu cầu không thụ lý đơn này nữa vì không đúng quy định của tố tụng hình sự mới được ban hành” - Chánh án cho biết.

Đang áp dụng luật sai Hiến pháp?

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc việc tòa án trả lại đơn khởi kiện của tổ chức CĐ, theo Chánh án TANDTC là “đại diện CĐ không được NLĐ ủy quyền, cho nên thông tin ra đến tòa để bảo vệ phần khởi kiện của mình không chắc chắn. Tiếp nữa là vướng về mặt luật, đây là được xem kiện dân sự mà theo quy định của dân sự là các bên nguyên, bên bị, nguyên đơn và bị đơn là bình đẳng với nhau và theo nguyên tắc của dân sự việc dân sự cốt ở đôi bên và có quyền thỏa thuận. Cho nên vụ án cũng không giải quyết được theo các trình tự nào” - Chánh án nói.

Chánh án cũng cung cấp thêm “QH đã thông qua BLHS và quy định sau 1.1.2018 các hành vi vi phạm đến nợ bảo hiểm bắt buộc coi như tội phạm và tòa án các cấp phải thụ lý”.

Tuy nhiên, theo ông Ngọ Duy Hiểu, vấn đề này cần phải được hiểu rằng “Theo quy định tại Điều 10 Hiến pháp thì CĐ là đại diện đương nhiên, không cần phải có ủy quyền của NLĐ nữa. Nếu còn đòi hỏi ủy quyền thì chả cần quy định trong luật. Tòa án phải thực hiện trách nhiệm của cơ quan xét xử, nhận đơn khởi kiện”.

Là chuyên gia về pháp luật, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng việc áp dụng pháp luật như hiện nay là “áp dụng sai Hiến pháp”. “Tôi cho đây là một quyết định có tính vi hiến” - ông Nhưỡng nhấn mạnh.“Tôi không đồng tình về xử dân sự. Hình sự hay không lại là một vấn đề khác. Nhưng chiếm đoạt BHXH của NLĐ là hành vi vi phạm pháp luật. Phải được xét xử chứ không phải chỉ đi khởi kiện, xử lý về mặt hành chính... Một DN có hàng trăm nghìn NLĐ, tại sao lại bắt NLĐ phải ra tòa án, mà tòa án làm thế nào thụ lý, xét xử hàng trăm nghìn vụ án được! Tôi cho rằng chúng ta dường như đang đi theo một hướng khác, gây chính bản thân khó khăn cho toàn bộ hệ thống của chúng ta” - ông Nhưỡng nói.

Trao đổi cùng Lao Động về cách nào để giải quyết thực trạng Tòa án trả lại đơn khởi kiện của tổ chức CĐ khi kiện đòi đóng BHXH cho NLĐ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Tôi nghĩ hành vi chiếm đoạt BHXH của NLĐ là đáng báo động. BHXH là một vấn đề rất nghiêm khắc vì nó liên quan đến an sinh xã hội. Vấn đề BHXH phải được coi như một sắc thuế, nếu ai chiếm đoạt BHXH phải được coi là hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu bình thường thì có thể xử lý hành chính, nhưng nếu nghiêm trọng thì có thể xử lý hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn