MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh Nhật Bắc

“Rào đường, ngăn phương tiện đi lại là sai tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng"

VƯƠNG TRẦN LDO | 02/04/2020 18:00

Nói về việc vừa qua, một số địa phương dùng bêtông, dùng đất đắp ngăn đường ngăn chặn việc đi lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định việc này là không đúng và sai tinh thần Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 2.4, trao đổi với phóng viên Lao Động, liên quan tới việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Người phát ngôn của Chính phủ cho hay: Ngày 31.3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về việc thực hiện các giải pháp để chống dịch COVID-19.

Theo Người phát ngôn Chính phủ, Chỉ thị 16 đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hạn chế tiếp xúc gần và hạn chế vấn đề lây lan cộng đồng.

“Đây là giải pháp rất mạnh khi chúng ta đang trong “thời gian vàng” để xử lý vấn đề này. Nếu chúng ta bỏ mất thời cơ này thì tình hình dịch bệnh có thể sẽ còn phức tạp hơn và thiệt hại có thể còn lớn hơn nữa” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Nói về việc cách ly xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện việc này không phải là “ngăn sông, cấm chợ”, ngăn cách địa phương này với địa phương kia.

Ông cho hay, tinh thần của Chỉ thị 16 là hạn chế tối đa việc di chuyển ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Việc này nhằm hạn chế việc lây lan virus ra cộng đồng.

“Đây là những khuyến cáo, yêu cầu hạn chế mà Chính phủ đưa ra chứ không phải lệnh cấm đi lại” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và nhấn mạnh Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội.

Theo đó, khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì có những tỉnh chưa có dịch, hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được. Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.

“Chúng ta chỉ dùng phương án phong tỏa khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về y tế. Và việc phong tỏa này phải chịu thiệt hại rất nhiều” – ông Dũng nói.

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, giải pháp cách ly xã hội rất cần sự chung tay của người dân và cộng đồng xã hội. Việc này chưa phải phong tỏa quốc gia như một số đất nước đã làm. Nếu chúng ta thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thực hiện tốt việc cách ly xã hội này thì chúng ta không phải thực hiện các biện pháp cao hơn như phong tỏa.

Nói về việc vừa qua, một số địa phương dùng bêtông, dùng đất đắp ngăn đường, ngăn việc đi lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định việc này là không đúng và thực hiện chưa đúng theo tinh thần Chỉ thị 16.

“Hôm qua, Thủ tướng cũng đã phê bình việc như vậy. Một số địa phương đã rút ngay sau khi có thông tin phản ánh. Chúng tôi đã trao đổi với các địa phương về việc thực hiện Chỉ thị này, tránh việc hiểu sai, thực hiện sai. Việc này không phải “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế đi lại. Văn phòng Chính phủ sẽ có những văn bản cụ thể để hướng dẫn các địa phương” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho biết, ông đã trao đổi với một số địa phương và Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn, chấn chỉnh việc này.

Theo Người phát ngôn Chính phủ, tại các nhà máy, phân xưởng sản xuất, người phụ trách cũng phải đảm bảo an toàn về vấn đề phòng chống dịch bệnh cho các công nhân, đảm bảo vấn đề an toàn về đeo khẩu trang, khử trùng, tránh để xảy ra dịch bệnh.

Theo tìm hiểu của PV, tại một số địa phương đã có những biện pháp có phần cực đoan do hiểu sai Chỉ thị. Tại Quảng Ninh, từ ngày 1.4, chính quyền thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát người dân đi lại trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Tại một số tuyến đường nối xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long) với phường Vàng Danh (thành phố Uông Bí), nối xã Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long) với xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ), chính quyền địa phương đã đổ đất ngăn các phương tiện lưu thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn