MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (ở giữa) phát biểu. Ảnh: VPQH

Rút bảo hiểm xã hội một lần là một thực trạng day dứt

PHẠM ĐÔNG LDO | 19/09/2023 14:25

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là một thực trạng rất day dứt. Số người rút BHXH một lần thời gian qua lên đến 3,5 triệu người.

Người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội

Ngày 19.9, tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là BHXH.

Theo đó, thời gian qua, vấn đề gia tăng rút BHXH một lần đang nhận được nhiều sự quan tâm, cần có sự sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan trong thời gian tới để khắc phục những vướng mắc hiện có.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi làm rõ thực trạng của vấn đề này, những định hướng lớn về mặt giải pháp đưa vào trong Luật Bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng này.

Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là hết sức quan trọng và cần thiết, đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024.

Những định hướng lớn nhất sửa đổi Luật BHXH nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 28 và hướng đến bảo đảm an sinh xá hội toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội cho toàn lực lượng lao động.

Về đối tượng sửa đổi, Thứ trưởng nêu rõ, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội bổ sung nhóm lực lượng lao động là chủ hộ gia đình, có khoảng 2 triệu chủ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh và có đóng thuế.

Đồng thời bổ sung nhóm đối tượng quản lý hợp tác xã và cơ sở kinh doanh; bổ sung nhóm chế độ hưu trí BHXH cho những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Qua đó, giúp gia tăng độ bao phủ chính sách BHXH.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nêu rõ, có 5 nhóm chính sách lớn trong Luật BHXH (sửa đổi) trình lên Quốc hội. Đáng chú ý là sửa đổi quy định mức đóng, mức hưởng BHXH, quy định thu - chi Quỹ BHXH; giải quyết việc trốn đóng BHXH; giải quyết việc rút BHXH một lần; cải cách hệ thống BHXH một cách hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn; quy định về đầu tư an toàn, hiệu quả của Quỹ BHXH trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm BHXH một lần là một thực trạng rất day dứt. Trong giai đoạn 2016- 2022, số người rút BHXH một lần lên đến 3,5 triệu người…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, số người rút BHXH một thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%). Nguyên nhân là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời, một phần do hoàn cảnh khó khăn của người lao động…

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về BHXH.

Bên cạnh đó, có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của BHXH; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu. Ảnh: Phạm Đông

Đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung rút BHXH một lần trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Cơ quan soạn thảo đang lắng nghe, tiếp thu các ý kiến này. Quan điểm của Ủy ban Xã hội là bất kể chọn phương án nào nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, phải đảm bảo chính sách BHXH thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động. Còn việc rút bao nhiêu, một lần hay nhiều lần thì cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật thì có giải pháp gián tiếp là cơ chế tính dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định... để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán đặt cho cho việc rút bảo hiểm một lần hiện nay.

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đang tích cực tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có căn cứ rõ hơn về vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn