MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: TTXVN

Rút bảo hiểm xã hội một lần làm nóng nghị trường Quốc hội

Nhóm PV LDO | 07/06/2023 07:48

Sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Hệ lụy lớn khi mỗi năm có tới 900.000 người rút bảo hiểm xã hội

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM; Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương - Quyền Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Ủy ban Dân tộc; Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thuý - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang… đều nêu thực trạng làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua, đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời rõ vấn đề này.

Trả lời chất vấn, ông Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, số lao động rút bảo hiểm xã hội bình quân mỗi năm 500.000 người, nay đã lên tới 900.000 người. Người rời đi tương đương với số tham gia trở lại khiến nguy cơ hiện hữu là không đảm bảo an sinh cho người già và hệ thống không bền vững, hệ luỵ lớn.

Bộ trưởng nêu 4 lí do khiến lao động chọn rời bỏ hưu trí. Thứ nhất, vì thu nhập thấp và đời sống khó khăn. Phần lớn người rút bảo hiểm xã hội là công nhân, rất ít công chức viên chức. Khu vực phía Nam chiếm tới 72% trong khi Miền Bắc và Trung rất ít.

Hai là, không có nước nào cho rút bảo hiểm xã hội một lần dễ như Việt Nam. Ông nhắc lại lịch sử khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 60 hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng công nhân phản đối. Quốc hội sau đó ban hành Nghị quyết 93 cho phép lao động được hưởng nếu có nhu cầu.

Ba là, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần rất cao. Lao động chỉ đóng 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của doanh nghiệp và nhà nước. Có nhiều trường hợp dù chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích nhiều nên rút hết. Nhưng rời đi rồi không có nghĩa là không trở lại, theo ông Dung, 1/3 trong số lao động từng rút bảo hiểm xã hội sau đó tiếp tục tham gia.

Bốn là, việc tổ chức tuyên truyền chưa tốt. Ông lấy ví dụ Hà Nội tuyên truyền cứ 10 người đi rút thì thuyết phục được 6 người trở lại; TPHCM, Đồng Nai cũng có một phần không rút nữa sau khi được tuyên truyền.

Bộ trưởng chưa đưa được giải pháp

Trả lời phóng viên Báo Lao Động bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mới chỉ đánh giá được nguyên nhân và đưa ra các giải pháp lâu dài; còn giải pháp trước mắt, cần xử lí, giải quyết ngay, thì Bộ trưởng chưa nêu bật được.

Về việc người muốn đi xuất khẩu lao động thường bị lừa qua các “công ty ma”, bà Nga cho biết, Bộ trưởng chưa giải thích được làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng này.

“Trách nhiệm thuộc về nhiều bộ, ngành khác nhau, nhưng trách nhiệm chính thuộc về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bởi người lao động không có thông tin, những người đi xuất khẩu lao động chủ yếu là người nghèo, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, nên việc tiếp cận thông tin về thị trường rất khó khăn. Vậy, làm thế nào để họ biết được công ty nào là công ty được cấp phép, công ty nào có tư cách pháp nhân, có uy tín để đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài để người lao động có thể tìm đến, bà Nga nói, đồng thời cho rằng, hiện nay, có thực trạng các công ty ma, không có giấy phép, công ty lừa đảo lại chủ động tìm đến họ. 

Cũng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, vị Bộ trưởng chưa quan tâm, chú trọng nhiều vào mặt giải pháp, đặc biệt là giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bị lừa đảo người lao động đóng tiền để ra nước ngoài làm việc.

Còn Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, vẫn còn một vài nội dung chưa được rõ như: Thực hiện Nghị quyết 19 trong việc thực hiện giải quyết, sắp xếp các đơn vị công lập đào tạo nghề cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghề... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn