MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong 7 năm (từ 2016-2022), cả nước có gần 5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Rút ngắn thời gian đóng để hạn chế người dân rời bỏ hệ thống Bảo hiểm Xã hội

PHẠM ĐÔNG LDO | 20/09/2023 16:32

Trong giai đoạn từ 2016-2022, ước tính có khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống BHXH, chiếm tỉ lệ hơn 70% số lượt người hưởng BHXH một lần.

Rút BHXH một lần là vấn đề lớn nhất

Ngày 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi).

Về BHXH một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động.

Do đó, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng BHXH một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Vì vậy, Ủy ban này cho rằng phải “chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần” như Nghị quyết số 28 đã xác định. Từ đó hướng tới việc hạn chế tối đa việc người lao động hưởng BHXH một lần, thực hiện mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách BHXH.

Qua nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong 7 năm (từ 2016-2022) có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần.

Trong số này đã có khoảng gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia BHXH (chiếm tỉ lệ 26% số lượt người hưởng BHXH một lần).

"Như vậy trong giai đoạn này, ước khoảng 3,5 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống BHXH (đến thời điểm hiện tại), chiếm tỉ lệ hơn 70% số lượt người hưởng BHXH một lần", bà Thúy Anh cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Phạm Đông

Phát biểu ý kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, rút BHXH một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi luật lần này.

"Để hạn chế bớt cái này thì ta có nhiều cách, trong đó lớn nhất là rút ngắn thời gian đóng và hưởng BHXH từ 20 xuống 15 năm và tới đây theo nghị quyết Trung ương hướng tới lộ trình là 10 năm thôi.

Người lao động thấy một quãng thời gian chờ đợi đến 20 năm, bây giờ có 15 năm thì người ta phải cân nhắc, đấy là đã giảm đáng kể rồi và tương lai sau này có thể giảm đến 10 năm. Đấy là yếu tố về kinh tế quan trọng nhất để quyết định việc này", Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng "rút hay không rút là quyền của người lao động".

Hai phương án về rút BHXH một lần

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về quy định rút BHXH một lần, Chính phủ đề xuất hai phương án.

Phương án 1, quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm thứ nhất là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm thứ hai là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025) trở đi thì không được nhận BHXH một lần.

Các trường hợp ngoại trừ vẫn được rút bảo hiểm là: người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; người ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành.

Phương án 2: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, rút BHXH một lần là vấn đề hệ trọng, chấm dứt ngay lập tức có thể gây dư luận xã hội, đặc biệt với người dân đang được hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn