MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá sách giáo khoa nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân. Ảnh: Bích Hà

Sách giáo khoa không được sử dụng nhiều lần gây lãng phí, thiếu đồng bộ

PHẠM ĐÔNG LDO | 02/08/2023 10:24

Sáng 2.8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2018.

Danh mục sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, sách bài tập không rõ ràng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để có cơ sở đánh giá được Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngày 11.10.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành và tổ chức giám sát việc thực hiện 2 nghị quyết này.

Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp báo cáo kiến nghị nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 từ Ủy ban MTTQ Việt Nam của 63 tỉnh thành phố.

Qua đó, làm rõ hơn nữa những kết quả đã đạt được, những vướng mắc, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành cơ quan trung ương và địa phương; đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng. Ảnh: Phạm Đông

Theo báo cáo tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022, nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa dùng trong cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, thực tế vào đầu năm học, một số trường học đưa danh mục bộ sách giáo khoa có sự không rõ ràng giữa sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều.

Tiếp đó, tình trạng giá sách giáo khoa nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp thống nhất nội dung sách giáo khoa và tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sách giáo khoa.

Cũng theo báo cáo, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông khác nhau. Điều này sẽ phát sinh những bất cập: gây lãng phí, tốn kém khi một bộ sách giáo khoa không được sử dụng nhiều lần; gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ chế kiểm soát, quản lý đối với các địa phương trong việc in ấn, phát hành một số loại sách và thiết bị học tập. Điều này dẫn đến tình trạng một địa phương phát hành độc quyền sách và ấn định việc sử dụng sách giáo khoa và thiết bị học tập nhất định cho địa phương mình.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Đông

Năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc

Ngành giáo dục còn khó khăn trong việc đào tạo và sử dụng cán bộ giáo dục nên việc thực hiện chương trình mới còn những bất cập; thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường.

Tình trạng giáo viên bỏ nghề giáo dục có xu hướng tăng trong vài năm gần đây do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chính sách sử dụng cán bộ giáo dục chưa phù hợp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1%.

Sách giáo khoa lớp 1 (bộ Cánh Diều) có một số nội dung chưa phù hợp, còn sử dụng nhiều từ ngữ địa phương. Việc chuyển tiếp trong cách dạy học cho học sinh từ cấp mẫu giáo bước vào lớp 1 bậc tiểu học gặp khó khăn.

Theo đó, do chương trình của mẫu giáo năm cuối là nhận diện về các chữ đơn, nhận diện mặt chữ, nhưng khi các em bắt đầu vào lớp 1 thì sách giáo khoa đã yêu cầu học sinh đánh vần đọc thành câu hoặc phải nhận diện được mặt chữ.

Điều này dẫn đến, các em vào lớp 1 sẽ có tình trạng phụ huynh học sinh phải tìm lớp học thêm hay thuê gia sư dạy kèm ngay từ khi bắt đầu lớp 1 hoặc cuối cấp mẫu giáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn