MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội

Sáng nay, Quốc hội thảo luận dự án Luật Công đoàn sửa đổi

PHẠM ĐÔNG LDO | 18/06/2024 07:12

Trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội dành cả buổi sáng để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 18.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quan tâm tới dự luật, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị, xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu đề xuất, có thể quy định trong Luật giao quyền cho Tổng LĐLĐVN chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống để tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn. Từ đó, khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang thống nhất cao về vấn đề đảm bảo cho công tác tổ chức.

Theo đại biểu, quy định giao cho Tổng LĐLĐVN xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng LĐLĐVN trong hệ thống, đặc biệt theo vị trí việc làm là phù hợp và cần thiết.

“Thời gian qua, cán bộ công đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, bởi vì, công tác cán bộ trước đây quản lý riêng hệ thống cán bộ công đoàn nhưng thời gian sau đó lại không được giao quản lý", đại biểu nêu thực tế.

Cũng theo đại biểu, giao cho tổ chức Công đoàn chủ động trong công tác cán bộ sẽ phù hợp trong quá trình quan tâm các chế độ, chính sách cho cán bộ công đoàn của hệ thống, từ đó tạo cơ sở thuận lợi, đảm bảo hoạt động sẽ hiệu quả hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ địa vị pháp lý của cán bộ công đoàn chuyên trách được bầu theo Điều lệ Công đoàn (cán bộ) hay được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý (công chức).

Liên quan đến quy định về bảo đảm cho cán bộ công đoàn, đại biểu tỉnh Đắk Lắk cho rằng, dự thảo luật chỉ mới quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách theo hợp đồng lao động.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức thì việc giải quyết thôi việc, buộc thôi việc, thuyên chuyển công tác thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật về công chức, viên chức như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (tối đa 20 phút).

Sau đó Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn