MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sáp nhập các bộ có nhiệm vụ tương đồng: Còn tiếp tục nghiên cứu

TX LDO | 03/11/2017 19:43

Theo Thứ trưởng Nội vụ Triệu Văn Cường, Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nêu rõ việc thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ, có nhắc đến các ngành: Giao thông, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tôn giáo, dân tộc...

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 chiều 3.11, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc mới đây đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị hợp nhất một số bộ có nhiệm vụ chức năng tương đồng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 cũng có chủ trương sắp xếp lại một số ngành có nhiệm vụ chức năng tương đồng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nói: 

“Nghị quyết số 18 ngày 25/10 của Hội nghị Trung ương 6 về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nêu rõ việc thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ, có nhắc đến các ngành: Giao thông, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tôn giáo, dân tộc... Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao trong thời gian tới làm chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương này.

Bộ Nội vụ cũng căn cứ Nghị quyết có những nội dung làm ngay, có những nội dung cần nghiên cứu định hướng làm thí điểm, có nội dung chuẩn bị cho Đại hội đảng XIII để triển khai trong thời gian tới”.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng đề xuất sáp nhập 4 bộ và 10 tỉnh cần xem xét, tổng kết lại cho phù hợp vì quy mô mỗi địa phương, bộ ngành khác nhau. Những việc làm ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương. Chúng ta đang rà soát lại lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan không bị chồng lấn, sắp xếp lại các bộ ngành, kể cả các đơn vị trực thuộc, để đảm bảo làm sao đơn vị sự nghiệp công trong mỗi một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị sự nghiệp công.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội cũng về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải nghiên cứu kỹ, thận trọng chứ không phải nay nhập, mai tách.

Về có ý kiến cho rằng Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhưng khi làm chính sách thường hay vênh nhau, vậy nên nhập lại để thống nhất, tinh gọn đầu mối, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng ý kiến này cũng không hoàn toàn chính xác. Theo ông, mô hình như Bộ Kế hoạch – Đầu tư hiện nay vẫn còn một số nước áp dụng có thể tên gọi khác nhưng chức năng nhiệm vụ như nhau, cùng làm chức năng tham mưu hoạch định chính sách, đường lối phát triển, quy hoạch phát triển... Ở các nước người ta thường gọi là Bộ Phát triển, Bộ Kinh tế. Như Trung Quốc người ta gọi là Ủy ban phát triển Tài chính. Tất cả các nước đều có cơ quan làm những nhiệm vụ này.

Chức năng của Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính cũng không trùng nhau. Cùng liên quan đến ngân sách, cân đối ngân sách nhưng Bộ Kế hoạch – Đầu tư là phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, còn Bộ Tài chính là làm về phân bổ nguồn lực cho chi thường xuyên. Hai Bộ này không chồng chéo. Việc ai người đó làm, phân định tương đối rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn