MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).Ảnh: Q.H

Sáp nhập hơn 700 xã không đạt tiêu chí: Nên thi tuyển để chọn cán bộ giỏi

XUÂN HẢI - CAO NGUYÊN LDO | 30/12/2017 10:00
Đó là ý kiến của Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa khi trao đổi với PV Báo Lao Động về Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2021 phải sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố.

Lựa chọn cán bộ phải công tâm khách quan

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 6, khóa XII cuối tháng 11.2017, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - đã thẳng thắn chỉ rõ sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã. Trong số đó, hiện cả nước có hơn 700 đơn vị cấp xã không đạt tiêu chí về quy mô diện tích và dân số.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2021 phải sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố. Do vậy, ông Hòa cho rằng, các địa phương phải sớm rà soát để có phương án triển khai phù hợp, hiệu quả.

Theo ông Hòa, việc sáp nhập các xã lại là cần thiết nhưng các phương án sắp xếp bố trí người như thế nào phải được đưa ra tính toán cho kỹ để không xáo trộn đến hiệu quả công việc. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế sau sáp nhập cần phải xem xét và tùy thuộc vào những trường hợp rất cụ thể, khách quan để giảm biên chế đối với những trường hợp không đủ tiêu chí, làm việc không hiệu quả. Tôi nghĩ rằng căn cứ vào những tiêu chí đặt ra thì phải có những rà soát hết sức cụ thể.

“Đối với hơn 700 xã không đạt những tiêu chí về quy mô diện tích và dân số cần phải sáp nhập, theo tôi việc sáp nhập phải làm thận trọng, khách quan, cụ thể, rõ ràng, không làm xáo trộn bộ máy, không làm xáo trộn tình hình cán bộ, công chức, viên chức ảnh hưởng tới tư tưởng của người lao động đang làm việc trong các đơn vị này” - ông Hòa nói.

Ví dụ giờ nhập xã A và xã B lại với nhau, mỗi xã có 21 công chức, nếu nhập như vậy thì cũng phải sử dụng lại cán bộ, công chức của 2 xã đó làm việc theo quy định. Tuy nhiên việc sáp nhập 2 xã lại thì số công chức thành 42 người, vậy phải có phương án để chọn cán bộ nào ở lại và cho ai nghỉ. Việc này phải có phương án như ngoài căn cứ vào hiệu quả làm việc để đánh giá cán bộ thì cần tổ chức thi tuyển, ai làm tốt sẽ ở lại. Như vậy việc sáp nhập xã mới hiệu quả và chất lượng. Đối với việc sáp nhập ở cấp thôn, bản, ấp, tổ dân phố cũng vậy.

Để việc sáp nhập được triển khai tốt, Chính phủ cần đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, rồi Luật Tổ chức Chính phủ trong đó quy định rõ mỗi xã có bao nhiêu công chức, được khoán biên chế bao nhiêu, có bao nhiêu cán bộ không chuyên trách. Từ đó có căn cứ thực hiện, nếu vi phạm thì xử lý kỷ luật người đứng đầu, như vậy việc thực thi luật mới 
nghiêm được.

Không đồng ý cho xây mới trụ sở xã sau khi sáp nhập

Ông Hòa cũng lưu ý, việc sáp nhập 2 xã lại với nhau phải tận dụng trụ sở cũ, cương quyết không được xây mới để giảm chi phí. Ông Hòa nhấn mạnh: Phải sử dụng trụ sở cũ, không được xây mới tránh dẫn tới tốn kém. Tất nhiên bước đầu nhập lại sẽ ảnh hưởng tới tư tưởng của những cán bộ, công chức, viên chức và sẽ bị dôi dư. Ban đầu ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới việc sinh hoạt của bộ máy và của người dân. Nhưng dần dần sẽ ổn định vì ở xã sẽ đơn giản và nhẹ nhàng hơn đối với ở tỉnh.

“Việc sáp nhập tỉnh rất khó nhưng chúng ta vẫn làm được như việc sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, còn bây giờ sáp nhập cấp xã và thôn, bản, ấp, tổ dân phố sẽ đơn giản hơn” - ông Hòa nói.

Điều ông Hòa quan tâm hơn cả đó là việc chọn lựa ai ở lại sau khi sáp nhập, bởi sau khi sáp nhập thì số cán bộ phải giảm đi khá nhiều. Ông Hòa cho rằng bên cạnh việc đánh giá hiệu quả công việc đối với từng người thì việc thi tuyển sẽ bình đẳng, công bằng, khách quan, vô tư, minh bạch thì những người dôi dư ra nếu thi tuyển không đạt thì người ta cũng vui lòng.

Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả công việc trước đó của 2 cán bộ này xem ai làm việc tốt hơn, trong đó có bỏ phiếu tín nhiệm kín. Nếu số phiếu và hiệu quả công việc bằng nhau thì tổ chức thi để chọn cán bộ ở lại. Nói về việc sáp nhập thôn, bản, ấp, tổ dân phố, ông Hòa cho rằng việc sáp nhập sẽ giảm được khá nhiều số cán bộ, giảm bớt chi phí của Nhà nước và cần thực hiện luôn việc nhất thể hóa, đó là Bí thư kiêm trưởng ấp, trưởng thôn.

“Tôi cho rằng các tỉnh cũng cần rà soát lại, chứ không thể nào chấp nhận một xã dân số thì ít, chỉ khoảng 10.000 dân thôi mà có tới hơn chục thôn. Như vậy là quá nhiều. Như vừa rồi, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có thẩm định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận cho thành lập thị trấn Ninh Cường từ xã Trực Phú, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định), thấy xã này có tới 16 tổ là quá nhiều cho nên Ủy ban Pháp luật đã đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo cho huyện rà soát để sáp nhập các tổ lại với nhau. Chứ để như vậy là nhiều dẫn tới phình cán bộ nhiều thêm” - ông nói.

Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay, hiện nay, công việc đang dần được điện tử hóa nên việc tinh giản là cần thiết. Trước khi làm được việc này thì cần phải có đề án, quy hoạch tổng thể rõ ràng. “Chúng ta phải xem một số nước trên thế giới họ làm như thế nào sau đó có thể tìm ra hướng để áp dụng chứ không nên cầm đèn chạy trước” - ông Phúc nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn