MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sơn Lê/VGP

Sáp nhập huyện, xã: Phải lấy ý kiến theo nguyện vọng của dân, không theo kiểu "đại cử tri"

Thùy Linh LDO | 09/08/2018 17:56
Cả nước hiện có đến 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,4%) và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,5%) chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021 do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 9.8.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ hiện trạng về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính hiện nay.

Theo đó, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 18 về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đề ra mục tiêu đến năm 2021 sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố. Từ năm 2021 đến 2030 cơ bản hoàn thành sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định. 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh mục tiêu của việc này là làm tinh gọn bộ máy để đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả. Địa phương nào rà soát, đủ điều kiện và đặc biệt được nhân dân đồng thuận thì làm.

Vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, cần lưu ý hình thức lấy ý kiến như thế nào sẽ tính toán nhưng phải đảm bảo thực chất, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chứ không theo kiểu “đại cử tri”.

Liên quan vấn đề nhân sự, việc tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính đồng nghĩa sẽ có dôi dư số lượng cán bộ nhất định. Do đó, theo Phó Thủ tướng, cần nghiên cứu trong sắp xếp cán bộ cũng như có chính sách phù hợp. “Có chế độ chính sách chứ không phải “vắt chanh bỏ vỏ” hay trọn gói một số tiền là xong” – Phó Thủ tướng nói.

Về cán bộ dôi dư, ông Uông Chu Lưu cũng nhìn nhận khi sáp nhập từ 3 xã còn 1 thì trước đây có 3 bí thư, 3 chủ tịch giờ 2 người không còn giữ vị trí này, và hàng loạt cán bộ khác. Vì vậy phải xem xét chính sách, thậm chí có thể có quy định nâng số lượng cấp phó cũng như chế độ, lương phù hợp với phân loại đơn vị hành chính để đảm bảo sắp xếp ổn định, cán bộ an tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn