MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc sáp nhập bộ máy phải đạt được mục tiêu tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: P.V

Sáp nhập sở, ngành: Cần cuộc cách mạng tạo sự đột phá thực sự

VƯƠNG TRẦN LDO | 19/07/2018 10:00
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, mới đây tỉnh Lào Cai đã thực hiện sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. 

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, chủ trương đã có, chúng ta cần phải quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng thực sự để tạo sự bứt phá, thu gọn đầu mối, hỗ trợ người dân tốt hơn. Đây cũng là cách để việc thực hiện tinh giản biên chế có thể thực hiện được một cách có hiệu quả.

Sáp nhập sở, thu gọn đầu mối

Mới đây, kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021, đã thông qua Nghị quyết hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai. Việc sáp nhập 2 sở lại với nhau nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và các địa phương khác.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Xuân Cường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai - cho hay thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Lào Cai nhận thấy Giao thông và Xây dựng là hai sở tương đồng, có thời điểm thuận lợi nên có thể sáp nhập được lại với nhau. Hai đơn vị này cùng chung một trụ sở, mặt khác về nhân sự đang kiện toàn lại nên không phải sắp xếp lại nhiều. Xuất phát từ đó, tỉnh đã nhận thấy có nhiều điểm thuận lợi nên tiến hành sáp nhập. Về việc sáp nhập những đơn vị khác, hiện nay Tỉnh ủy đang xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch, triển khai từng bước.

Về việc sắp xếp nhân sự, ông Cường cho biết, trước hết khi sáp nhập lại 2 sở, bộ máy bước đầu sẽ thu gọn lại được đầu mối, các phòng ban tương đồng sáp nhập vào với nhau. Tiếp sau đó cần phải tính toán, sắp xếp lại nhân sự theo vị trí, việc làm. Đối với số lao động dôi dư cũng cần phải có chính sách, chế độ sao cho phù hợp. Một là thực hiện theo chính sách của Nhà nước. Đồng thời tỉnh cũng đang giao Ban Tổ chức và Sở Nội vụ nghiên cứu chính sách của địa phương trong lĩnh vực này. Việc này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

“Về mặt nhân sự, lãnh đạo Sở Giao thông không bổ nhiệm nữa. Những cấp phó hiện tại vẫn đang cộng dồn để cuối năm thực hiện chính sách chế độ cho một số đồng chí. Còn biên chế thì hiện tại chưa thể giảm ngay mà phải sắp xếp dần dần vì liên quan đến chế độ của người lao động. Các đơn vị cũng sẽ phải rà soát và tinh giản dần theo lộ trình. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng chính sách chế độ sao cho hợp tình, hợp lý” - ông Cường nói.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, việc sáp nhập 2 Sở GTVT và Xây dựng tại Lào Cai vừa rồi là một minh chứng”.

“Việc sáp nhập, thu gọn bộ máy, tổ chức ở các địa phương đáng lẽ phải được thực hiện sớm hơn, mạnh mẽ hơn nữa. Chính phủ yêu cầu cắt giảm các thủ tục hành chính nhưng bộ máy còn cồng kềnh. Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống phải vận hành với đúng chức năng, nhiệm vụ của nó. Các đơn vị quản lý nhà nước thực hiện việc quản lý vĩ mô, kiến tạo chính sách chứ không phải can thiệp quá sâu vào đời sống của các doanh nghiệp, đơn vị. Có như vậy mới thực sự có hiệu quả được” - ông Thang Văn Phúc nói.

Cần quyết tâm thực hiện

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Chủ trương đã có, chúng ta cần phải quyết tâm thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập để tinh giản bộ máy và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Phải thực hiện một cuộc cách mạng thực sự để tạo sự bứt phá, thu gọn đầu mối, hỗ trợ người dân tốt hơn. Đây cũng là cách để việc thực hiện tinh giản biên chế có thể thực hiện được một cách có 
hiệu quả.

Cũng liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - nhìn nhận: “Để bộ máy công quyền làm việc hiệu quả hơn thì việc sắp xếp lại một số sở có chức năng tương đồng với nhau là một trong những giải pháp mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc sáp nhập không đơn thuần chỉ là sáp nhập cơ học mà phải tinh gọn được bộ máy, vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc. Việc sáp nhập này cũng không được phát sinh thêm việc xây dựng trụ sở, tốn kém, phát sinh thêm chi phí. Do vậy, việc thực hiện này cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể, từng bước, chắc chắn, hợp lý”.

Nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, bài toán lớn nhất khi tính chuyện sáp nhập sở đó là phát sinh vấn đề dôi dư nhân sự và vấn đề giải quyết chế độ, việc làm cho người lao động như thế nào cho phù hợp. Chúng ta tính toán tới mục tiêu nhập là để tinh gọn bộ máy, nhưng cũng phải quan tâm tới quyền lợi của người lao động. “Sáp nhập sở là công việc đụng chạm đến con người, tổ chức, bộ máy và lợi ích của cán bộ công chức nên chúng ta phải làm thận trọng, công khai và minh bạch, đảm bảo sự đồng thuận cao trong tổ chức, cán bộ, công chức, công nhân viên nhà nước. Khi tiến hành sáp nhập, chúng ta phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các sở theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bố trí, sắp xếp việc sao cho đúng người, đúng việc” - ông Cuông nói.

Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - cho rằng, trong việc đánh giá cán bộ cần phải thực hiện một cách dân chủ, công khai, theo dõi kỹ lưỡng, đánh giá đúng chức năng nhiệm vụ. Bên cạnh đó cũng cần phải phân loại đánh giá cán bộ, nhân viên một cách chính xác để từ đó lựa chọn, giữ lại những người làm việc hiệu quả, còn những người không đáp ứng được yêu cầu thì tự tìm cho mình một công việc khác phù hợp với năng lực của bản thân. Lúc sáp nhập này cũng là cơ hội để chúng ta tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy, chọn lọc được cán bộ có năng lực, trách nhiệm thực sự đáp ứng được yêu cầu. Việc sáp nhập sở phải đảm bảo việc loại người kém, giữ người giỏi.

“Việc sáp nhập sở là rất cần thiết, tuy nhiên đây là bài toán cần phải cân nhắc sao đáp ứng được cả hai yêu cầu. Thứ nhất là phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, thứ hai là tinh gọn, tinh giản được bộ máy công quyền để làm việc hiệu quả hơn” - ông Lê Văn Cuông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn