MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cải cách chính sách tiền lương là một tin mừng với hàng triệu công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Sắp tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo về cải cách chính sách tiền lương

Vương Trần LDO | 11/12/2023 14:26

Từ ngày 1.7.2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Dự kiến, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trong định hướng nhiệm vụ tháng 12.2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị kỹ, chất lượng cho Hội nghị này. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12.2023.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung liên quan tới cải cách tiền lương.

Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1.7.2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:

Từ ngày 1.1.2024 đến hết ngày 30.6.2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12.2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Trao đổi với Lao Động, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho biết: Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đưa ra lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, Nghị quyết 27 nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ, một trong các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 yêu cầu thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp, chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Đồng thời, bổ sung tiền thưởng, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Cùng với đó, xây dựng, ban hành hệ thống 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

"Với bộ phận cán bộ, công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì đây là nội dung được kỳ vọng rất lớn. Bởi vì, theo đánh giá với cách tính lương hiện nay thì tiền lương của những đối tượng này đang rất ít ỏi, lạc hậu so với mặt bằng giá cả và cuộc sống nói chung" - TS Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn