MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra công vụ tại UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Đông

Sắp xếp đơn vị hành chính phải quyết tâm cao, làm khoa học

Phạm Đông LDO | 18/12/2023 06:43

Các chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã cần xét đến các yếu tố đặc thù; không cào bằng, mang tính hình thức, định lượng mà ưu tiên sự ổn định, phát triển của kinh tế - xã hội. Do đó, cần phải giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, linh hoạt trong việc sáp nhập các đơn vị hành chính.

56 địa phương đã có phương án sắp xếp đơn vị hành chính

Theo Bộ Nội vụ, đến thời điểm này 56/56 địa phương đã gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để cho ý kiến, số còn lại sau khi rà soát không nằm trong diện phải sắp xếp cấp huyện, xã.

Qua rà soát thì có 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có tâm lý và thực tế triển khai không thực sự quyết liệt nên qua tổng hợp các phương án của 56 địa phương thì có thể chỉ đảm bảo giảm được 50% theo yêu cầu, còn lại căn cứ các tiêu chí đưa vào diện đặc thù để không sắp xếp.

Qua tìm hiểu, mới đây UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Trong giai đoạn này, TPHCM có 129 phường cần sắp xếp, tuy nhiên địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp đối với 49 phường do có yếu tố đặc thù.

UBND TPHCM cũng đề xuất Trung ương chấp thuận chủ trương không sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã liền kề mà sau khi hình thành đơn vị hành chính mới, khối lượng công việc của công chức tăng lên hơn 50% so với thời điểm trước đó.

Còn tại Hà Nội, theo kế hoạch, địa phương này có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, TP Hà Nội sẽ cân nhắc rất kỹ, đánh giá cụ thể cả những hệ quả, tác động về văn hóa, lịch sử, con người...

Theo kế hoạch, năm 2024, Thái Nguyên hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Sau khi trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, tỉnh Thái Nguyên dự kiến giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã (từ 177 xã, phường, thị trấn hiện nay xuống còn 171 xã phường, thị trấn). Còn theo UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương này sẽ mở rộng 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; sáp nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 huyện.

Tư tưởng phải thông, hành động phải quyết liệt

Trao đổi với Lao Động ngày 17.12, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, cần đảm bảo mục đích cuối cùng của việc sắp xếp các đơn vị hành chính là vì lợi ích của người dân. Do đó, ông đề xuất, cần có lộ trình rất cụ thể và cân nhắc nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán… chứ không chỉ căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên.

Bởi theo ông, sáp nhập hai xã lại là cả câu chuyện không đơn giản. Muốn làm được, quan trọng trước tiên phải có lòng dân đồng thuận cao, không thể chính quyền áp đặt. Trước hết, phải tuyên truyền, vận động rất nhiều để người dân hiểu, thấy phù hợp. Đưa ra định hướng nhưng phải có cách làm đúng, có lý, có tình thì mới thành công.

Cùng trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - chia sẻ, khi sắp xếp lại bộ máy, nếu như không thận trọng và tính toán đến hiệu quả cũng như không tính toán kỹ lưỡng các lộ trình, phương án cụ thể, thì rất dễ dẫn đến tình trạng chỉ làm một phép cộng cơ học.

Chính bởi vậy, đại biểu cho rằng, cần phải thận trọng và đặc biệt xử lý vấn đề cán bộ, làm sao để sau sáp nhập, chúng ta có một bộ máy cán bộ lãnh đạo phải thực sự đảm bảo năng lực. Bà Nga đề nghị, phải thực hiện bài bản, khoa học và làm với quyết tâm cao nhất.

Ông Nguyễn Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) - cho hay: Điều quan trọng là sau khi sắp xếp thì đơn vị hành chính mới được hình thành phải sớm ổn định và phát triển.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý trong quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, không cầu toàn, không nóng vội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn