MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho người dân, cơ quan, tổ chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định sau sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Hải Nguyễn

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển đổi con dấu, giấy tờ không thu phí

Vương Trần LDO | 15/04/2023 11:24

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho người dân, cơ quan, tổ chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm thuận lợi cho người dân, tổ chức và không thu phí.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Trong tờ trình này, Bộ Nội vụ nêu những kết quả đạt được trong việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Đây cũng là một trong những cơ sở thực tiễn để tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, giai đoạn 2019-2021, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) diễn ra tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Có 21 ĐVHC cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được sắp xếp. Sau sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp huyện trên cả nước giảm từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị (giảm 8 đơn vị).

Giai đoạn trên đã thực hiện sắp xếp 1.056 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp đã giảm 561 ĐVHC cấp xã trên cả nước.

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đó là việc chuyển đổi con dấu và các loại giấy tờ cho người dân.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Theo đó, việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho người dân, cơ quan, tổ chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm thuận lợi cho người dân, tổ chức và không thu phí.

Đồng thời, việc này được thực hiện khi người dân có nhu cầu hoặc kết hợp thực hiện cùng các chương trình, chính sách khác, như thực hiện cùng việc cấp đổi, cấp mới căn cước công dân theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). 

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, việc thực hiện cấp đổi đồng loạt giấy tờ cho người dân như vậy cũng làm tăng khối lượng công việc của cơ quan nhà nước. Một số nơi người dân chưa hiểu rõ nên có ý kiến cho rằng, việc sắp xếp ĐVHC gây khó khăn cho người dân do phải thực hiện thêm nhiều thủ tục hành chính. 

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng có ảnh hưởng nhất định đến người dân do phải làm thủ tục thay đổi tên địa danh trong sổ hộ khẩu và căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển tiếp trong xử lý hồ sơ, thủ tục đối với người dân. 

Cá biệt, có trường hợp ở tỉnh Hà Tĩnh, do xã sáp nhập vào thị trấn nên phải áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất chứ không được áp dụng hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất như khi còn là xã, trong khi hồ sơ xin giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất của người dân đã được chính quyền thụ lý từ trước khi nghị quyết về sắp xếp ĐVHC của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.

Bộ Nội vụ đánh giá, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định có liên quan; các phương án sắp xếp của các địa phương đã chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù; đồng thời đã xây dựng phương án cụ thể về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; có kế hoạch và lộ trình sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng dôi dư do sắp xếp. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn