MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một công sở tại Phú Thọ sau sắp xếp đơn vị hành chính còn để bỏ không, chưa khai thác, chuyển đổi được công năng sử dụng. Ảnh: Tô Công

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, nơi trụ sở bỏ không, nơi lại xây mới

Vương Trần LDO | 01/04/2023 07:00

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng; địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.

Một số địa phương chuyển đổi công năng hiệu quả

Trong giai đoạn 2019-2021, tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã được sắp xếp lại. Qua đó, giai đoạn này đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trước và sau khi sắp xếp đó là việc bố trí trung tâm hành chính, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp.

Liên quan tới vấn đề này, báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ cho biết, các địa phương đều đã tiến hành bố trí trung tâm hành chính, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp kịp thời, bảo đảm điều kiện thuận lợi phục vụ người dân, tiết kiệm và tránh lãng phí theo đúng quy định. 

Đến thời điểm tháng 3.2022, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu làm việc. Các địa phương đã nghiêm túc triển khai, thực hiện rà soát các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Một số địa phương đã thực hiện việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện rất hiệu quả.

Các trường hợp điển hình như: tỉnh Quảng Ninh điều chuyển trụ sở của Huyện ủy Hoành Bồ (cũ) cho Trường THPT Hoành Bồ, nhà đất của UBND huyện Hoành Bồ (cũ) cho UBND phường Hoành Bồ; tỉnh Hòa Bình đã làm việc và thống nhất với các cơ quan của Trung ương để tiếp nhận, bàn giao trụ sở của Bảo hiểm Xã hội huyện Kỳ Sơn, Kho bạc nhà nước huyện Kỳ Sơn (cũ) cho địa phương quản lý. 

Nơi trụ sở chật chội, nơi lại xây mới hoàn toàn

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong việc bố trí trung tâm hành chính, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp.

Đó là, ở một số địa phương, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức bị phân tán do vẫn duy trì 2 - 3 trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp ĐVHC.

Việc duy trì sử dụng các trụ sở cũ làm cho kinh phí vận hành, duy tu, bảo trì các trụ sở làm việc và các chi phí hành chính không giảm được như mong đợi, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức cũng gặp nhiều khó khăn do thời gian, quãng đường di chuyển tăng thêm nhiều. 

Chẳng hạn như ở các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, hầu hết các xã, thị trấn mới được thành lập đều duy trì sử dụng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các xã cũ do số lượng cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đông không thể bố trí về một trụ sở. 

Ở các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc, vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội, không đáp ứng yêu cầu công việc do số lượng cán bộ, công chức tại ĐVHC mới tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc xử lý, giải quyết các giao dịch, thủ tục hành chính cho nhân dân trên địa bàn vẫn còn khó khăn.

Ngược lại, ở một số nơi, các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng các trụ sở dôi dư sau sắp xếp gặp khó khăn do trụ sở quá lớn so với nhu cầu sử dụng dẫn đến chi phí duy trì, quản lý, vận hành cao vượt quá khả năng ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, tổ chức được giao sử dụng. 

Có nơi sau khi nhập xã không chọn một trong số những trụ sở hiện có mà lại xây dựng mới trụ sở dẫn đến gây tốn kém kinh phí.

Tại thị trấn Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), cả 3 trụ sở xã cũ (trước sắp xếp) đều đang không được sử dụng. Ảnh: Tô Công

Cũng theo Bộ Nội vụ, sau sắp xếp ĐVHC, vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng; địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.

Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC trên địa bàn một số tỉnh còn chậm và có nhiều bất cập.

Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện gặp nhiều khó khăn do không phù hợp với nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân, chi phí duy trì cải tạo, sửa chữa trụ sở cao. 

Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn gặp nhiều khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn