MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM). Ảnh: Tô Thế

Sau sự cố cháy nổ, chế tài nặng hơn, doanh nghiệp sẽ có vô số vòng kim cô

NHÓM PV LDO | 01/06/2023 11:40

Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, mỗi lần có sự cố xảy ra, chúng ta lại nghĩ đến việc phải đặt ra chế tài nặng hơn, cao hơn, lấy cái đó để áp dụng. Nếu không rút ra bài học sẽ có vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp, cho xã hội nhưng không khắc phục được những yếu kém.

Sai phạm trong PCCC không phải thiếu luật mà do con người

Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là nội dung nhận được nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1.6.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nhấn mạnh về vấn đề PCCC. Dưới góc độ là người làm công tác pháp luật, ông cho biết, rất nhiều sai phạm xảy ra trong PCCC không phải do chúng ta thiếu luật mà do con người.

“Mỗi lần sai phạm xảy ra chúng ta lại nghĩ có lẽ luật pháp chưa được chặt chẽ chăng. Thế là chúng ta lại đặt thêm ra một số quy định. Luật về PCCC mấy chục năm nay có thiếu không?” - ông Nghĩa nói và cho rằng, đây ra một đặc trưng, khiếm khuyết của thể chế hiện tại.

Theo ông, cứ mỗi lần có sự cố xảy ra, nhất là những chuyện dư luận lên tiếng mạnh mẽ, trong đầu chúng ta lại nghĩ ngay đến việc phải đặt ra chế tài nặng hơn, cao hơn, lấy cái đó để áp dụng.

“Tôi nói ví dụ chế tài việc uống rượu lái xe có giảm không? Có giảm, có hết không, không hết. Thực tiễn cho thấy, có những người có tiền, trước phạt 3-5 triệu đồng, bây giờ phạt 15, 20, 30, 40 triệu đồng. Họ sẵn sàng chung chi, có những lực lượng chức năng tiêu cực sẵn sàng nhận số tiền đó để bỏ qua” - đại biểu nói.

Ông Nghĩa cho rằng, gốc rễ ở đây là cần rút ra những bài học thì chúng ta mới khắc phục được. Nếu không sẽ có vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp, cho xã hội, nhưng mà chúng ta không khắc phục được những yếu kém.

Phát sinh thêm kinh phí, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) quan tâm đến công tác PCCC và quy chuẩn liên quan đến vấn đề này.

Qua nghiên cứu, đề nghị Chính phủ quan tâm đến những quy định mới về PCCC, rất khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện. Điều này phát sinh thêm kinh phí, vật liệu nên có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. 

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Theo đại biểu, quy định mới về PCCC cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quy định ngành nghề nào phải có quy định chặt chẽ về PCCC... 

Một là, cần xem xét thời gian áp dụng quy chuẩn PCCC mới cho phù hợp, có lộ trình, từng bước để xã hội thích ứng. Không nên quy định áp dụng ngay khi các điều kiện chưa được sẵn sàng. 

Hai là, khi điều chỉnh quy định cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ.

Ba là, cần phải có các quy định chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư xây dựng đã được quyết định đầu tư trước ngày quy chuẩn mới có hiệu lực thi hành chỉ phải chịu ràng buộc theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Bốn là, cần phân loại ngành nghề để áp dụng quy chuẩn ngành nghề nào, nguy cơ cháy cao thì phải quy định đầu tư PCCC thật tốt; ngành nghề nào khó cháy, thậm chí là không thể tránh thì không nên bắt buộc đầu tư quá nhiều cho chi phí PCCC.

Năm là, phần lớn kết luận nguyên nhân gây ra cháy, nổ là do chập điện. Do vậy, kiến nghị cần sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn an toàn thiết kế và thiết lập hệ thống điện trong dân dụng và điện công nghiệp. 

Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý mong những vướng mắc trong PCCC tiếp tục được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội nước nhà.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh đến các giải pháp cần thực hiện ngay để đạt được các mục tiêu đề ra. Đó là Quốc hội cần chú trọng đến đầu tư công, công tác PCCC, hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp để phục hồi và phát triển sản xuất. 

Còn đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nêu rõ, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng nhiều hồ sơ xin thẩm định phòng cháy chữa cháy công trình nhà xưởng chưa được nghiệm thu, bị tồn đọng gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động.

Do đó, đại biểu đề xuất phải thống nhất trong hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ phòng cháy chữa cháy. Điều này phải phù hợp, hợp lý với điều kiện thực tế cho từng loại hình, lĩnh vực, tính chất, đặc điểm, ngành nghề của doanh nghiệp và tránh phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn