MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai. Ảnh: QH

Sẽ mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân

Phạm Đông LDO | 20/05/2022 17:59
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, cơ quan soạn thảo đã xin ý kiến cơ quan thẩm quyền nhằm mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân theo hướng mở rộng các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Chiều 20.5, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Dự kiến, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 23.5 tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.

Thông tin về các vấn đề liên quan đến dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã tích cực phối hợp với cơ quan liên quan để báo cáo Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này.

Đến thời điểm này, về cơ bản các vấn đề liên quan đến dự án Luật tương đối hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, có ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức hội liên quan đã đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.

Theo quy định hiện hành, chỉ những người tham gia hoạt động biểu diễn mới được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.

Qua xem xét các kiến nghị, cơ quan soạn thảo đã xin ý kiến cơ quan thẩm quyền nhằm mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân theo hướng mở rộng các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chứ không giới hạn trong lĩnh vực biểu diễn nữa.

“Trong chiều tối nay, chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan soạn thảo về vấn đề này” - ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết.

Cùng nói về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được ban hành nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng.

Việc sửa đổi luật cũng khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đồng thời việc sửa đổi nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này sửa đổi bổ sung các nội dung lớn như: danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung có liên quan đến các điều khoản quy định về các nội dung.

Trong đó có đối tượng áp dụng; mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; về hình thức khen thưởng; về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước; về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi đua, khen thưởng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn