MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Thành Chung

Sẽ tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách về dự án luật Luật Đất đai sửa đổi

PHẠM ĐÔNG LDO | 11/08/2022 19:24

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với các dự án luật trình xin ý kiến lần đầu nên bố trí để đại biểu Quốc hội chuyên trách nghe và cho ý kiến. Bởi các dự án luật cho ý kiến lần đầu có dự án luật mới, phức tạp như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự...

Sau 2,5 ngày làm việc, cuối giờ chiều 11.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 14.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đã hoàn thành toàn bộ các nội dung theo dự kiến, gồm có 7 việc lớn và 2 nhóm nội dung.

Về từng vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bám sát các kết luận để ban hành thông báo kết luận cho kịp thời, làm căn cứ tổ chức thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội cũng phối hợp với các cơ quan sớm hoàn thiện để trình Chủ tịch Quốc hội ký 4 nghị quyết:

- Thứ nhất là Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

- Thứ hai là Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

- Thứ ba là Nghị quyết về thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị trấn Chơn Thành của tỉnh Bình Phước.

- Thứ tư là nghị quyết vừa mới thông qua - Nghị quyết về tiếp tục chi trả, hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Riêng đối với nghị quyết bổ sung dự án Luật Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (sửa đổi), Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cũng như nội dung của tờ trình và trình Thường vụ Quốc hội vào phiên họp phù hợp, có thể phiên họp từ nay cho đến cuối năm. Mặc dù việc này hết sức quan trọng và cấp thiết, cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định sau.

Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, dự kiến từ ngày 15-18.8. Đây là một nội dung hết sức quan trọng để chuẩn bị cho các phiên họp của đại biểu chuyên trách và tiến tới kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội theo nhiệm vụ đã được giao khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan trình phần lớn các dự án nghị quyết, luật tới đây là của Chính phủ. Đề nghị các cơ quan liên quan gửi được tài liệu sớm cho Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đã cho ý kiến đối với việc tổ chức cuộc họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến sẽ được tổ chức tháng 9. Đề nghị Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan sớm có thông báo đến đại biểu Quốc hội về thời gian, về lịch trình, cách thức tổ chức và đăng ký để tham gia. Thời gian tổ chức dự kiến sẽ là 2 ngày.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với các dự án luật trình xin ý kiến lần đầu nên bố trí để đại biểu Quốc hội chuyên trách nghe và cho ý kiến. Bởi các dự án luật cho ý kiến lần đầu này cũng nhiều dự án luật mới, phức tạp như dự án Luật Đất đai sửa đổi. Một số dự án như Luật Phòng thủ dân sự bây giờ cũng đang rất "mênh mông".

"Chúng tôi đề nghị như vậy để phối hợp làm sao đó vừa chuẩn bị cho phiên họp chuyên đề từ ngày 15 đến 18.8. Đồng thời, chuẩn bị rất khẩn trương cho phiên họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến diễn ra vào đầu tháng 9.

Ngoài ra, trong tháng 9 chúng ta còn có diễn đàn về kinh tế - xã hội, còn có hội nghị về xây dựng pháp luật, triển khai sơ kết Kết luận 19, Kế hoạch 81 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2022, 2023, Hội nghị giám sát của tháng 9, rất nhiều việc khác nhau" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn