MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Siết chặt kỷ cương, tránh những “đại tiệc xa hoa” lãng phí

VƯƠNG TRẦN LDO | 16/08/2022 09:07

Hướng dẫn 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nêu rõ, tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, Tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, luân chuyển, chuyển công tác,...) một cách phô trương hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác.

“Soi chiếu” để thực hiện nêu gương

Sự việc ông Ninh Văn Chủ - nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh tổ chức “đại tiệc chia tay” đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Bữa tiệc chia tay xa hoa được tổ chức trên 2 du thuyền 5 sao ở vịnh Hạ Long khiến nhiều người cảm thấy lãng phí, bức xúc. Người ta bức xúc bởi sự phô trương, lãng phí, xa hoa trong khi tổ chức bữa tiệc cá nhân của ông này. Bức xúc bởi trong bối cảnh khó khăn, ngành y đang phải đối mặt với làn sóng y, bác sĩ nghỉ việc do thu nhập thấp, áp lực cao…

Liên quan đến “tiệc chia tay” của nguyên giám đốc CDC Quảng Ninh, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo Ủy ban UBKT Quảng Ninh khẩn trương vào cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy bộ phận Trung tâm CDC Quảng Ninh và cá nhân ông Ninh Văn Chủ

Một vụ việc khác, hồi giữa năm 2019, bà Hồ Thị Cẩm Đào - khi đó là Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức tiệc cưới cho con. Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng, bà Đào tổ chức lễ cưới cho con theo phong tục, tập quán của người dân Nam bộ. Tuy nhiên, bà Đào còn chủ quan, thiếu cân nhắc mời khách đến dự tiệc cưới khá đông, gây thắc mắc, bàn tán trong dư luận và trên một số báo chí. Việc làm này là chưa gương mẫu, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân của bà Đào và Đảng bộ tỉnh.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp về đảng viên, cán bộ công quyền từng bị phản ánh trên báo chí liên quan tới tổ chức các bữa tiệc phô trương, gây nhiều ý kiến ồn ào trong dư luận.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực, trong đó nêu rõ 19 nhóm hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống. Trong đó có nêu rõ hành vi “Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, luân chuyển, chuyển công tác,...) một cách phô trương hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác” là một trong 19 nhóm hành vi tiêu cực.

Quy định số 69-QÐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm có nêu rõ, một số trường hợp vi phạm, nếu gây hậu quả ít nghiêm trọng, đảng viên có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách như: Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, Tết, sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới, mừng nhà mới, lên chức, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi, gây dư luận xấu trong xã hội hoặc trái quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cư trú.

Nhà nghiên cứu văn hoá, TS Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng Khoa Văn hoá - Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - cho rằng, Quy định 69 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa ra các quy định này sẽ giúp các đảng viên nhận diện, tránh những biểu hiện tiêu cực liên quan tới việc tổ chức sinh nhật, mừng nhà mới,... xa hoa, lãng phí.

TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, quy định mới của Đảng về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi đảng viên lẫn tổ chức đảng. Đặc biệt, quy định cũng giúp đảng viên, tổ chức đảng “soi chiếu” để thực hiện nêu gương, tránh những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống, thực hiện lối sống văn minh để quần chúng tin tưởng và noi theo.

“Việc cụ thể hoá các hành vi trong Quy định 69, Hướng dẫn 25 nhằm giúp đảng viên, tổ chức đảng có thể nhận diện, soi chiếu và quan trọng hơn là luôn giữ gìn phẩm chất, rèn luyện để không bị vướng vào tiêu cực, bị chi phối bởi lợi ích cá nhân” - TS Nguyễn Ánh Hồng nói.

Chấn chỉnh xây dựng văn hoá Đảng

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, khi trong xã hội có nhiều biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức thì việc làm gương của đảng viên càng trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Các quy định về xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng có vi phạm hay hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục là một sự cụ thể hoá, tạo điều kiện cho Đảng viên ý thức rõ hơn về hành vi công vụ cũng như đạo đức, lối sống của mình, từ đó thể hiện tốt trách nhiệm làm gương cho xã hội.

“Những vi phạm vừa qua của không ít Đảng viên là những bài học đau lòng, bắt nguồn một phần lớn từ việc thiếu tự dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Những vụ việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các Đảng viên vi phạm, mà quan trọng hơn, còn gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Đây nhất thiết phải là điều chúng ta cần chấn chỉnh để xây dựng văn hoá Đảng” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, mỗi đảng viên cần rèn luyện đạo đức, lối sống từ những hành động hết sức cụ thể. Việc sống giản dị, hoà đồng, không tổ chức tiệc tùng phô trương, hào nhoáng, sinh nhật, mừng thọ, mừng nhà mới... lãng phí chính là cách mỗi đảng viên thể hiện vai trò làm gương và trách nhiệm đạo đức của mình trước nhân dân, trước Đảng.

“Trong xã hội, một trong những cách thức quan trọng để định hướng đạo đức là cần có những bài học làm gương, đặc biệt từ những nhóm tiên phong của xã hội. Đảng viên chính là những người được trông chờ nhất khi họ là những người đại diện của Đảng, được quần chúng lựa chọn đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tài sản lớn nhất của Đảng chính là lòng dân. Khi những tấm gương đạo đức của đảng viên chinh phục trái tim của quần chúng, đó cũng là khi Đảng có chỗ đứng vững chắc, thể hiện được vai trò dẫn dắt dân tộc phát triển” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn