MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc họp được trực tuyến tới các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Huyên Nguyễn

Siết lại nhập cảnh theo chu trình khép kín từ lúc đăng ký vào Việt Nam

HUYÊN NGUYỄN LDO | 07/05/2021 16:32

Chiều 7.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cuộc họp được trực tuyến tới các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây không phải là một cuộc họp nữa mà là một cuộc quán triệt toàn quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Tại Việt Nam, đây coi là đợt dịch thứ 4 nhưng có những phức tạp hơn trước. Ổ dịch Hà Nam, Yên Bái và Vĩnh Phúc cơ bản đã xác định được nguồn lây. Ở Đà Nẵng, một số ca đã rõ nguồn lây nhưng một số ca chưa rõ. Tương tự, Hải Dương cũng có ca chưa rõ nguồn gốc.

Đáng chú ý, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa rõ nguồn F0. Mới đây, Bệnh viện K đã có nguồn lây từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Điều này có nghĩa là trong cộng đồng đã có mầm bệnh rồi.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần chú ý đường thâm nhập bên ngoài, biên giới các nước, đặc biệt là khi chủng virus tại Ấn Độ lây lan rất nhanh. Vì thế, tinh thần chung rất quyết liệt, khởi động lại toàn bộ hệ thống.

Nếu chưa lập tổ COVID-19 cộng đồng thì phải lập ngay, nếu có rồi thì khởi động lại. Tỉnh nào chưa có dịch phải hết sức cảnh giác bởi dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta tránh chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang.

Phó Thủ tướng nhắc nhở về công tác xuất - nhập cảnh, ngăn ngừa nhập cảnh trái phép, đặc biệt là phía Tây Nam. Cơ quan chức năng phải cùng nhân dân, cùng cộng đồng để phát hiện những nơi nào, người nào có dấu hiệu nhập cảnh trái phép.

Chúng ta kêu gọi, khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời điểm dịch bệnh, cố gắng hạn chế di chuyển và ở lại, tuân thủ các biện pháp chống dịch của nước sở tại. Nếu buộc phải về nước phải khai báo và cách ly theo quy định. Xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép.

Thời gian qua, chúng ta đã quản lý người nhập cảnh hợp pháp không tốt, nhất là cần chú ý thêm về đội ngũ chuyên gia. Quý 1 đã có gần 20.000 chuyên gia nhập cảnh và cách ly tại khu vực quân đội và khách sạn. Qua kiểm tra rất nhiều khách sạn làm không đúng quy định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng biết, diện theo dõi y tế sau cách ly gần như không có sự giám sát. Điều đáng nói là các văn bản đều có cả, có kế hoạch từ khi xin nhập cảnh đến cách ly và sau khi về nhưng nhiều nơi không chặt chẽ. Có nhiều nơi chỉ trên giấy. Cách ly xong, theo quy định phải bàn giao lại cho địa phương nhưng không làm. Quy định có hết rồi, bây giờ chúng ta phải siết lại. "Chúng ta phải thực hiện chu trình khép kín từ lúc đăng ký vào Việt Nam cho đến lúc cách ly và sau cách ly", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Các tỉnh cần "gỡ rối"

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng cần khắc phục lỗ hổng quản lý sau cách ly tại nơi lưu trú 14 ngày.

"Chúng tôi phát hiện 2 trường hợp chuyên gia Trung Quốc và Hàn Quốc chưa hết cách ly 14 ngày nhưng đã có mặt ở Kiên Giang. Khi kiểm tra giấy chứng nhận cách ly của 1 trong 2 người này thì không ghi địa chỉ lưu trú nên không xác định được địa phương nào quản lý, không biết ở đâu mà “trả về”", lãnh đạo tỉnh Kiên Giang phát biểu.

Tại Long An, theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh này, tỉnh đã chuyển từ giao ban hàng tuần sang giao ban hàng ngày để kịp thời nắm bắt, xử lý các tình huống trong công tác phòng, chống dịch.

Tỉnh đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ tình huống gần 20 trường hợp nhập cảnh trái phép đã cách ly xong 50 ngày nhưng chưa thể trục xuất về Trung Quốc do chưa thể phối hợp được với phía bên Trung Quốc chọn ngày bàn giao đối tượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn