MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy điện rác Thiên Ý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã đi vào hoạt động. Ảnh: Hà Phương

Sớm áp dụng cơ chế đặc thù để các hộ dân di dời khỏi bãi rác Nam Sơn

THU GIANG LDO | 28/09/2023 11:05

Những vướng mắc phát sinh quanh khu vực xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang đặt ra yêu cầu phải sớm loại bỏ mô hình chôn lấp thô sơ và chuyển sang mô hình đốt kết hợp phát điện.

Người dân chưa đồng thuận

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 26.9, ông Cù Hồng Dân (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) cho biết, tại khu xử lý rác Nam Sơn vẫn còn một số khó khăn liên quan đến vấn đề môi trường, chính sách giải phóng mặt bằng, di dời dân.

Nhiều năm nay, TP Hà Nội có chủ trương di dời các hộ dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn trong bán kính 500m nhưng các hộ dân vẫn chưa đồng thuận vì họ không biết sẽ sinh sống ở đâu nếu không được hưởng chính sách tái định cư.

Ông Cù Hồng Dân kiến nghị, TP Hà Nội cần quan tâm đến vấn đề xử lý nước rỉ rác, mong thành phố xem xét, không mở rộng khu xử lý Nam Sơn giai đoạn 3.

Trong khi đó, dù TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả khu xử lý rác Nam Sơn nhưng đây vẫn là “bài toán” khó đối với các đơn vị có liên quan và chính quyền huyện Sóc Sơn.

Ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn lý giải, từ những năm 1999 - 2000, TP Hà Nội không có chính sách tái định cư mà chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân khi họ di dời, vì vậy họ đã không đồng thuận và tiếp tục bám trụ ở khu vực này.

Huyện Sóc Sơn đã đề nghị TP Hà Nội có chính sách hỗ trợ tái định cư cho người dân sinh sống quanh khu vực trong bán kính 500m. Huyện Sóc Sơn cũng vừa hoàn thành báo cáo, đề xuất TP Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù cho các hộ dân này để họ đồng thuận di dời khỏi khu vực ảnh hưởng của bãi rác.

Nhanh chóng chuyển đổi từ chôn lấp sang đốt rác

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn ngày 26.9, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đề nghị, huyện Sóc Sơn nhanh chóng rà soát các đối tượng trong vùng ảnh hưởng của bãi rác.

Trước kiến nghị không mở rộng đầu tư giai đoạn 3 đối với dự án mở rộng khu xử lý rác Nam Sơn, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc này thuộc thẩm quyền Thủ tướng xem xét phê duyệt, TP Hà Nội sẽ có ý kiến nhưng tinh thần chung là đã đủ công suất rồi thì thôi.

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành Nhà máy điện rác Thiên Ý (huyện Sóc Sơn) và Nhà máy điện rác Seraphin (thị xã Sơn Tây). Sau khi 2 nhà máy này đi vào vận hành, tổng công suất xử lý rác thải sẽ đạt khoảng 6.500m3/ngày đêm, do đó TP Hà Nội sẽ không cần phải chôn lấp rác thải.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, thành phố cũng sẽ sớm nghiên cứu để có thể triển khai xây dựng khu vực chôn lấp rác thải này thành công viên công cộng.

Giảm quy mô chôn lấp, tăng khả năng phát điện qua đốt rác

Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 đã xác định, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đến năm 2030 khoảng 11.300 tấn/ngày.

Quyết định số 609/QĐ-TTg quy định công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo 3 vùng phía Bắc, Nam và Tây, TP Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải, trong đó 8 khu hiện có nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới.

Đến nay, TP Hà Nội đã khởi công Nhà máy đốt rác phát điện tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) công suất 1.500 tấn/ngày đêm và đang đôn đốc hoàn thành đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) công suất 4.000 tấn/ngày đêm, TP Hà Nội hướng tới giảm khối lượng rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp dưới 50% trong năm 2023 và dưới 30% đến năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn