MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương)

Sự kiện trọng đại tiến hành đặc xá là những sự kiện nào?

Hùng - Trung - Nguyên LDO | 07/11/2018 11:33
Sự kiện trọng đại của đất nước trong việc đặc xá là những sự kiện nào? Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), sáng 7.11.

Theo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2.9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4.

Cũng theo báo cáo của UBTVQH, có ý kiến đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước.

Theo quan điểm của UBTVQH tại báo cáo giải trình, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch Nước đã quyết định đặc xá ở cả 3 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá.

Về ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật “sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào”, UBTVQH nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như Luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước, mà giao cho Chủ tịch Nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tại nghị trường, nhiều ĐBQH tiếp tục có đề nghị về vấn đề trên. ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, nên xác định thời điểm đặc xá một cách cụ thể. “Đất nước chúng ta có nhiều ngày lễ, ngày trọng đại, nên chọn 3 thời điểm gắn với 3 sự kiện lớn, đó là Ngày Quốc khánh 2.9, Tết Nguyên đán và Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4” – ĐB Kim nói.

Theo ĐB Vũ Trọng Kim, chọn thời điểm nào trong 3 sự kiện trên để đặc xá do Chủ tịch Nước quyết định theo từng năm. Nếu quy định như vậy vừa đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể nhưng cũng tránh tình trạng làm gấp gáp, dễ sinh ra lỗi, không tốt cho công tác đặc xá.

Theo ĐB Vũ Trọng Kim, 10 năm vừa qua tần suất đặc xá hơi dày, trung bình 1,5 năm một lần, nay nên từ 3 - 5 năm và quy định cho rõ, tránh du di.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ số người được đặc xá mỗi đợt (không quá 5.000 hoặc 7.000 người), trên cơ sở đó, Chủ tịch Nước quy định các điều kiện cụ thể để đặc xá.

Báo cáo UBTVQH thấy rằng nếu quy định hạn chế mức tối đa số lượng cho từng đợt đặc xá (không quá 5.000 hoặc 7.000 người) thì sẽ thiếu linh hoạt và không sát với tình hình thực tế trong từng thời điểm. 

Cho đến nay, Chủ tịch Nước đã 7 lần ban hành Quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước (trong đó, 1 lần nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Sửu và 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 6 lần nhân dịp Quốc khánh 2.9) và đã đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với 14 người bị kết án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn