MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị quy định cụ thể vấn đề về giá dịch vụ y tế vào dự thảo Luật Giá. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Sửa đổi Luật Giá: Giá là vấn đề kẻ xấu hay tìm kẽ hở để trục lợi

PHẠM ĐÔNG LDO | 06/04/2023 11:22

Góp ý về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho biết, trong công tác đấu thầu, giá là đích đến của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu hay lợi dụng tìm kẽ hở để trục lợi.

Sáng 6.4, tại Hà Nội tiếp tục chương trình của hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những vấn đề nổi lên là việc thẩm định giá, thổi giá cao, đặc biệt với thiết bị y tế.

Đại biểu cho rằng, tình trạng trên xảy ra do có lỗ hổng trong quy định pháp luật ở Luật Giá hiện hành.

Trước thực trạng này, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi các điều khoản này để khắc phục những bất cập hiện hành, cụ thể ở Điều 47, Điều 53.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa về nghĩa vụ, trách nhiệm của thẩm định viên. 

Đại biểu nêu rõ, cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 quy định: thẩm định viên về giá có nghĩa vụ giải trình hoặc bảo vệ báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng báo cáo kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu.

Thẩm định viên giải trình báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật. 

Đại biểu cho rằng, để bảo vệ cán bộ, tránh trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm, cần quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá, chứ không phải chỉ có báo cáo khi yêu cầu.

Việc này để đảm bảo hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, trong dự thảo luật này, những quy định về giá dịch vụ y tế rất mờ nhạt hoặc gần như không tìm thấy.

Trong khi đó, vấn đề liên quan đến giá cực kỳ phức tạp, là thành tố quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực. 

Đại biểu nhấn mạnh trong công tác đấu thầu, giá là đích đến của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu hay lợi dụng tìm kẽ hở để trục lợi.

Bởi vậy đại biểu nêu rõ, giá dịch vụ y tế còn là vấn đề phức tạp, có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại… với các mức giá rất khác nhau.

Đơn cử như giá khám bệnh, chữa bệnh từ xa khác với khám, chữa bệnh trực tiếp; giá khám bác sĩ trong nước khác giá khám bác sĩ nước ngoài…

Do vậy, nếu trong dự thảo Luật này không quy định cụ thể, rõ ràng, mọi thiệt thòi sẽ đổ lên bệnh nhân. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể vấn đề về giá dịch vụ y tế vào dự thảo luật này.

Đại biểu Nguyễn Tạo. Ảnh: Phạm Thắng

Còn đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung thêm quy định cấm các hành vi gian lận thương mại, nâng khống giá trị hàng hóa, xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, bổ sung thêm các hành vi gian dối gây cản trở chính sách bình ổn giá của Nhà nước vào Điều 7 của dự thảo Luật này…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo cũng nêu rõ, trong dự thảo luật có quy định cấm việc lợi dụng về khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa để tăng giá bán, giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với khi thời điểm trước điều chỉnh giá.

Đại biểu cho rằng, khái niệm “bất hợp lý” ở quy định này cũng cần phải rõ ràng hơn nữa. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn