MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TPHCM - cho rằng cần phải tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn cho Thủ đô. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Sửa đổi Luật Thủ đô, cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho Hà Nội

Thùy Linh - Phạm Đông LDO | 10/11/2023 15:52

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ nhất trí cao với việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật có ý nghĩa đặc biệt này.

Cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ hơn

Theo các đại biểu, việc hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội mà sẽ lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô. Hà Nội và TPHCM là hai đô thị đặc biệt. Hai đô thị này đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức vận hành thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc về thể chế.

Ngoài ra, qua quá trình triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, có nhiều nội dung mà một đô thị đặc biệt cần phải được áp dụng.

Đặc biệt, những nội dung này đã được cập nhật vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như vấn đề về mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông hay phân cấp trong điều chỉnh quy hoạch, tổ chức bộ máy…

Do đó, đại biểu tin chắc dự thảo Luật được đưa ra trình tại kỳ họp này sẽ được các đại biểu ủng hộ, tán thành.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Thủ đô cần thu hút và “giữ chân” nhân tài trong và ngoài nước

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho rằng sau 10 năm đi vào cuộc sống, việc thực thi Luật Thủ đô 2012 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

"Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cơ chế thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Việc thu hút và “giữ chân” nhân tài cần hướng đến không chỉ người ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài"- đại biểu nói.

Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương đối cho mọi đối tượng, để tất cả đến với Hà Nội đều cảm nhận được một chính quyền đô thị nhân văn, có tinh thần cầu thị, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần không chỉ cho họ mà còn cho gia đình họ.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - nói: “Việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả”.

Đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ mong muốn sự phát triển của Thủ đô sẽ tạo ra động lực lan tỏa cho khu vực và cho cả nước. Muốn vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Thủ đô mà phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước.

“Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong dự thảo Luật. Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông, để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp.

Đơn cử như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô”, đại biểu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn