MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sửa Luật Đất đai: Có tạo thời cơ vàng cho “đại bàng và chim sẻ” về làm tổ?

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 07/04/2023 11:50

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc sửa đổi Luật Đất đai lần này có tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai sản xuất nhằm tận dụng cơ hội ngàn năm của đất nước về dân số vàng, địa điểm vàng, "thời cơ vàng cho các đại bàng cũng như chim sẻ về làm tổ không?".

Có giảm được đầu cơ, bong bóng bất động sản?

Sáng 7.4, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 

Nêu ý kiến tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) bày tỏ băn khoăn, hiện nay khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội chiếm đến 70%, vậy sau khi sửa Luật lần này, Ban soạn thảo đánh giá có thể giảm được tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ở mức nào? 

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh: Phạm Thắng

Một vấn đề khác được ông Minh nêu ra là về đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản. Ông dẫn chứng theo thông tin ở Trung Quốc hiện đang có 80 triệu ngôi nhà chưa được bán, kể cả các ngôi nhà được bán nhưng không có người ở.

“Vậy với Việt Nam, lần sửa luật này có giảm được đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?”

Đại biểu đoàn Cà Mau cũng đề nghị có đánh giá xem nước ta có bao nhiêu ngôi nhà chưa được bán, chưa được ở, nhằm tránh hệ quả tăng trưởng vào bất động sản.

Cùng với đó, ông đề nghị làm rõ việc sửa đổi luật lần này có tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai sản xuất nhằm tận dụng cơ hội ngàn năm của đất nước về dân số vàng, địa điểm vàng, "thời cơ vàng cho các đại bàng cũng như chim sẻ về làm tổ không?".

Hiện nay, đất cho sản xuất kinh doanh vẫn quy định một quy trình như đất ở, bao gồm quy hoạch, chuyển đổi, giấy phép... mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp để có đất sản xuất.

Để giảm khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đại biểu đề nghị quy định một điều riêng về đất chuyển đổi sang sản xuất kinh doanh theo hướng linh hoạt, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời đề nghị xem xét bỏ quy hoạch đất cấp huyện. Cần tập trung quản lý tốt đất lúa, đất rừng, hạ tầng lớn như cảng biến, sân bay, đường cao tốc.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) góp ý vào nội dung điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án bất động sản được quy định tại Điều 46.

Dự thảo lần này mặc dù đã có chỉnh sửa, đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Do đó, đề nghị xem xét, điều chỉnh để phù hợp với 2 luật trên.

Bổ sung quy định để công nhân, người lao động dễ tiếp cận đất đai, ổn định nơi ở

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) chia sẻ, tại Điều 118 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước đây, cơ quan soạn thảo có bổ sung trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động trong khu công nghiệp thuê. 

Theo đại biểu, đây là quy định hết sức đúng đắn, nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của công nhân, người lao động - đó là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Trên thực tế, đời sống của công nhân, người lao động rất vất vả, việc tiếp cận đất đai, nhà ở hết sức khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận). Ảnh: Phạm Thắng

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật trình tại Hội nghị, đại biểu chỉ ra rằng không có quy định trên được thể hiện trong dự thảo.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung quy định vào một khoản tại Điều 114 về việc giao đất không thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Qua đó, công nhân, người lao động mới dễ tiếp cận đất đai, ổn định nơi ở để đảm bảo an cư lạc nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn