MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại ở Hà Nội. Ảnh: Thái Mạnh

Sửa Luật Đất đai phải khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo

PHẠM ĐÔNG LDO | 21/06/2023 18:51

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị, Ban Soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu để hạn chế đến mức thấp nhất, thậm chí chấm dứt tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng.

Nguyên nhân gây chậm trễ trong việc triển khai dự án

Ngày 21.6, tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, đất xây dựng công trình ngầm cần được xem xét kỹ và có tầm nhìn xa. Việc sửa luật lần này cần quan tâm cả về không gian ngầm để phát triển quỹ đất cho tương lai.

Một điều mà đại biểu băn khoăn là tại khoản 3, Điều 214 có nội dung Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các dự án xây dựng công trình ngầm. Quy định như vậy liệu có dễ dãi, quá sớm để khuyến khích một vấn đề rất nhạy cảm và mới mẻ này không? 

Đại biểu đề nghị quy định theo hướng chưa cần khuyến khích, chỉ cần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện như các dự án xây dựng công trình khác.

Tiếp đó, đại biểu cho ý kiến về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, Ban Soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu để hạn chế đến mức thấp nhất, thậm chí chấm dứt tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Quốc hội

Về đền bù, giải tỏa mặt bằng khi thu hồi đất để thực hiện dự án, Ban Soạn thảo dự án Luật cần tìm ra phương án hữu hiệu đối với vấn đề này và cần nâng cao sự vào cuộc của chính quyền địa phương…

Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án rất hay gặp vướng mắc là do phần lớn không thỏa thuận được. Thậm chí, có trường hợp người dân không cho gặp để thỏa thuận. Điều này dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai dự án. Vì lý do này mà nhiều huyện hàng chục năm chỉ thực hiện được việc tự thỏa thuận được một vài dự án, còn phần lớn là chưa xong hoặc phải bỏ dự án. 

Với tình hình trên, đại biểu đề nghị, Chính phủ, Ban Soạn thảo suy nghĩ để tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và doanh nghiệp trong cả nước. 

Đối với các dự án thuộc nhóm tự thỏa thuận, nếu đạt từ thỏa thuận được từ 70% trở lên và thời gian đã chậm gấp 2 lần so với thời gian mà cấp có thẩm quyền cho phép thì chính quyền phải vào cuộc để thực hiện việc giải tỏa và giá đất chỉ bằng giá quy định của Nhà nước cho đất ở khu vực đó.

Nếu để cho người dân, doanh nghiệp tự thỏa thuận thì nảy sinh rất nhiều vấn đề

Nhiều đại biểu cho rằng, phải tránh tình trạng dự án tư nhân đầu tư lợi dụng danh nghĩa là dự án phát triển kinh tế - xã hội và phải để cho người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) không đồng tình với quan điểm nêu trên và cho rằng: "Đất đai là do Nhà nước quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Như vậy, bất kể dự án nào thực hiện quy hoạch đất đai của Nhà nước đều là dự án thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Và bất kể dự án nào mà Nhà nước đã phê duyệt thì đủ điều kiện là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và có thể được thu hồi”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, nếu như Nhà nước thu hồi và cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường tái định cư để tạo được sự đồng thuận của người dân thì chúng ta sẽ đạt được các hiệu quả về kinh tế - xã hội tốt hơn, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của Nghị quyết 18. 

Ngược lại, nếu cứ để cho người dân, doanh nghiệp tự thỏa thuận thì nảy sinh rất nhiều yêu cầu, ví dụ như yêu cầu đảm bảo hài hòa lợi ích, không được thực hiện hoặc yêu cầu về tái định cư phải đảm bảo ổn định, tốt hơn cũng không được thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn