MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phạm Đông

Sửa Luật Thủ đô, bước đột phá để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù

Phạm Đông LDO | 27/11/2023 06:24

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kỳ vọng việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; giải pháp chính sách về huy động và sử dụng nguồn lực thiết kế trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra các bước chuyển có tính đột phá, tạo bệ phóng cho Hà Nội phát triển.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27.11, các ĐBQH sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo luật quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội.

Đặc biệt là quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW gồm thành phố logistics, dịch vụ tại khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học tại khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Dự thảo luật quy định một số nội dung đặc thù của HĐND thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (đoàn ĐBQH Điện Biên) cho rằng, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo luật.

Về số lượng biên chế, theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn ĐBQH Hòa Bình) bày tỏ sự nhất trí với quy định về quản lý biên chế, trong đó cho phép tăng biên chế từ nguồn dự phòng tại Điều 9.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời đề nghị cho phép Hà Nội được phạt vi phạm hành chính PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo cao gấp 2 lần mức chung.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn ĐBQH TPHCM) tán thành việc ngừng cung cấp điện, nước để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Cùng quan điểm này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng: Quản lý một đô thị đông dân cư, phức tạp về hạ tầng, cần đến biện pháp mạnh, cụ thể và mang tính răn đe, phòng ngừa cao.

Về đề xuất Hà Nội được phạt vi phạm một số lĩnh vực cao gấp đôi, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn ĐBQH Bắc Giang) nhận định, đây là điểm rất mới trong quy định pháp luật, có thể áp dụng trên địa bàn Thủ đô, sau đó để các tỉnh, thành phố học tập, nhân rộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn