MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Khánh Linh

Sửa Luật Thủ đô phải có cơ chế rà soát các dự án dang dở, thúc đẩy dự án nhà ở mới

Khánh Linh LDO | 01/08/2023 13:14

Hà Nội - Các chuyên gia cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể hiện được chiến lược nhà ở đặc thù của Thủ đô với quy mô 8,5 triệu dân, để người dân cải thiện, nâng cấp nhà ở. Từ người nghèo, người không có thu nhập đến người thuộc tầng lớp trung lưu.

Sáng 1.8, tại trường Đại học Luật Hà Nội, Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã diễn ra.

Hội thảo nhận được 48 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trong đó, có 11 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo.

Thảo luận về vấn đề Phát triển giáo dục đào tạo - Nền tảng và động lực cho Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nêu quan điểm: "Chất lượng giáo dục của Thủ đô cơ bản là đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. Tuy nhiên, sự phân bố dân cư giữa các địa phương của Hà Nội không đồng đều dẫn đến sự bất cập về hệ thống trường học đáp ứng cho nhu cầu học tập của học sinh. Vì vậy, giáo dục và đào tạo Thủ đô cần có các mục tiêu rõ ràng và những giải pháp vượt trội".

GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - tham luận tại hội thảo. Ảnh: Khánh Linh

Liên quan đến các vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô, PGS.TS. Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - cho biết, Luật Thủ đô còn thiếu những điều khoản có tính pháp lý để phát triển Thủ đô và tính đặc thù của đô thị lớn. Chưa rõ sự khác biệt của Luật Thủ đô đối với các luật hiện hành.

Đại diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng nhấn mạnh về vấn đề phát triển nhà ở. Luật phải thể hiện được chiến lược nhà ở đặc thù của Thủ đô với quy mô 8,5 triệu dân, để người dân cải thiện, nâng cấp nhà ở. Từ người nghèo, người không có thu nhập đến người thuộc tầng lớp trung lưu.

Theo ông Tùng, phải có cơ chế rà soát tất cả dự án đang dang dở để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cơ chế cho các dự án nhà ở mới nhằm thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết.

Mô hình nhà ở cần đa dạng để thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư. Đồng thời, có chính sách đặc thù cho phép người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, cần phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hạ tầng, không chỉ khu nhà ở xã hội tập trung cho người lao động trong các khu công nghiệp mà còn có khu nhà ở xã hội tập trung cho trí thức trẻ....

Các ý kiến tại hội thảo đã khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 sau gần 10 năm đi vào đời sống và tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nội dung chủ yếu.

Về cơ bản, các ý kiến tham luận, phát biểu đánh giá dự thảo có bố cục, kết cấu hợp lý và tán thành với nhiều nội dung được sửa đổi. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, trăn trở về tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành, về yêu cầu tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại của bộ máy chính quyền Thủ đô.

Các ý kiến tham luận, góp ý của đội ngũ các nhà khoa học tại hội thảo sẽ được Thành phố Hà Nội, ban soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn