MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng đề nghị ngành tài chính thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Ảnh: Quang Hiếu

Tài chính phải lấy sản xuất làm gốc, phải để sản xuất kinh doanh phát triển

Cao Nguyên LDO | 08/01/2021 16:36
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tài chính phải lấy sản xuất làm gốc, phải để sản xuất kinh doanh phát triển; tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực đất nước".

Bội chi dưới 4% GDP, nợ công trong ngưỡng cho phép

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Tài chính năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngày 8.1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020, nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt được triển khai để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh vượt qua đại dịch COVID-19.

Đến 31.12.2020, ước thực hiện thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỉ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỉ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày kế hoạch công tác năm 2021 của Bộ Tài chính. Ảnh: Quang Hiếu

Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước. Ước tính đến ngày 31.12.2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31.1.2021) đạt 92-93% dự toán.

Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248,5 nghìn tỉ đồng, dưới 4% GDP. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6%GDP.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, chủ yếu là huy động vốn trung và dài hạn (không phát hành kỳ hạn dưới 5 năm) và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB....), góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tài chính khơi dậy mọi nguồn lực

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, khái quát 7 kết quả nổi bật của ngành tài chính năm 2020, Thủ tướng cho biết ngành tài chính đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách ứng phó hiệu quả với COVID-19, khắc phục thiên tai, ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỉ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP; kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép (cuối năm 2020, bội chi dưới 4% GDP; nợ công 55,8% GDP; nợ Chính phủ 49,6% GDP).

Theo Thủ tướng, đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19, “con số này làm cho chúng ta thở phào, nói lên quản lý tài chính chặt chẽ”. "Ổn định vĩ mô là bài học kinh nghiệm xương máu trong quản lý kinh tế thì chúng ta đã giữ được điều này”, Thủ tướng nói thêm.

Năm 2021, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, không chỉ dịch bệnh mà cả cạnh tranh quốc tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra.

“Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo thì mới hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới. Tài chính phải lấy sản xuất làm gốc, phải để sản xuất kinh doanh phát triển; tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực đất nước”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao 9 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Tài chính. Trong đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phấn đấu thu ngân sách tăng tối thiểu 3% so với dự toán; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn