MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tái cơ cấu kinh tế: Không giải toả nút thắt giống như cao tốc còn điểm nghẽn

Vương Trần LDO | 30/10/2021 11:50
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn.

Xác định rõ các "nút thắt" để tái cơ cấu hiệu quả 

Sáng 30.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế cần bắt đầu từ việc phải xác định được những nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương, nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn.

Những nút thắt này đang hiển hiện trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, của nhân dân. Cơ cấu lại nền kinh tế phải giải quyết cho được những mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh và đại biểu thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh. Ảnh QH

"Tôi đề nghị như thế bởi vì nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn”, ông Hậu nói.

Đại biểu Hậu nêu ví dụ cụ thể là ngành điện. Điện được coi như "máu" của nền kinh tế, của sinh hoạt, đời sống của người dân. Thế nhưng chúng ta đang chứng kiến những mâu thuẫn lớn của ngành này. 

"Chỉ một thay đổi về chính sách, đất nước chúng ta từ chỗ luôn lo lắng về thiếu điện đã dư điện. Đó là điện gió, năng lượng mặt trời đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới, lại phần lớn được đầu tư nguồn vốn từ nước. Thế nhưng, đã dấy lên rồi lại phải tạm ngưng phát triển. Những nơi đã phát điện lại phải cắt giảm công suất phát điện, lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực của xã hội…" - Đại biểu Hậu nêu ví dụ.

Dẫn ví dụ về ngành điện, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm và tháo gỡ được những nút thắt và tạo ra những thay đổi mang tính đột phá. Đó là một phương thức nhằm cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất.

Nâng cao sức lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Cùng thảo luận về nội dung này, đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, với 5/22 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như báo cáo đã đánh giá, chúng ta cần phân tích đánh giá toàn diện nguyên nhân chủ quan, khách quan trong tác động trực tiếp, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo đại biểu Bùi Văn Nghiêm, để tiếp tục lãnh đạo thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh… theo hướng tập trung cả Trung ương lẫn địa phương.

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Long. Ảnh QH

Nhấn mạnh về việc phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới, đại biểu Bùi Văn Nghiêm cho rằng Chính phủ cần tiếp tục ban hành chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch.

Theo đó, cần ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch từ quản lý nhà nước tới quản lý điểm đến. Quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường quảng bá xúc tiến bán hàng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở lại du lịch quốc tế. Thúc đẩy du lịch nội địa tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh gắn với chính sách thu hút đầu tư du lịch, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy, đầu tư tại các vùng khó khăn để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn