MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: MINH QUÂN

Tái hiện bản hùng ca bất diệt

MINH THI LDO | 01/02/2018 06:42
Sáng 31.1, tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TPHCM tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (TTCND) xuân Mậu Thân 1968. 

Chương trình nhằm tri ân những người con của mọi miền đất nước đã tham gia cuộc TTCND xuân Mậu Thân 1968; tri ân đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng bào phía Nam đã cưu mang bộ đội ở mọi miền đất nước; tri ân các liệt sĩ, những người dân thành phố vận chuyển vũ khí… đã góp phần tạo nên thắng lợi lịch sử này.

Đến dự lễ kỷ niệm có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng...

Trân quý giá trị đang gìn giữ

Phần hoạt cảnh tái hiện cuộc TTCND Xuân Mậu Thân 1968 khá xúc động và chi tiết, với sự tham gia của dàn nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên múa tại TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Cuộc TTCND Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để giành độc lập tự do. Thắng lợi này đã thay đổi cục diện chiến tranh, đánh một đòn mạnh vào quân địch, chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc”.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, bài học lịch sử rút ra từ cuộc TTCND Xuân Mậu Thân còn đó. Đó là phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống của toàn dân. Đó là phải xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng an ninh từ trong thời bình như di huấn của ông cha, kết hợp xây dựng, phòng thủ đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phú, vinh cường. Đặc biệt, xây dựng thế trận lòng dân, bằng sức mạnh đoàn kết, kiên quyết duy trì, đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…

Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cần lan tỏa, tiếp nối hơn nữa trong giới trẻ các giá trị tốt đẹp, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, tự chủ, tự lực tự cường, năng động sáng tạo.

Thay mặt cho các nhân chứng lịch sử, Đại tá Nguyễn Văn Tàu - AHLLVT - phát biểu: “Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng cuộc TTCND Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt. Chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh của bao nhiêu đồng bào, chiến sĩ đã làm nên lịch sử.

Tôi như thấy lại những đồng đội thân thương của mình đã vĩnh viễn nằm lại ở khắp các chiến trường, nằm lại ở bìa rừng lạnh giá hay ở cửa ngõ Sài Gòn, hay trong nội đô, trong những ngày giao tranh quyết liệt. Nhiều người trong số đó mãi mãi ra đi nhưng đến hôm nay hài cốt vẫn chưa được quy tập. Chúng ta hãy dùng những phút giây lắng đọng của lòng mình để nhớ về những mất mát hy sinh, để cùng nhau trân quý những giá trị mà ngày nay chúng ta đang gìn giữ”.

Tái hiện “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” tại lễ kỷ niệm. Ảnh: LÊ SƠN

Xây dựng hình mẫu thế hệ trẻ

Nhớ lại thời trẻ từng là trinh sát vũ trang nội đô Sài Gòn-Gia Định, nhân chứng lịch sử, thiếu tá Lê Việt Bình tâm sự: “Những trận đánh của các chiến sĩ trinh sát vũ trang không chỉ nhằm tiêu diệt một bộ phận địch mà còn chứng tỏ lực lượng vũ trang cách mạng luôn có mặt trong nội thành Sài Gòn và chủ động tiến công địch, qua đó củng cố niềm tin của quần chúng yêu nước vào thắng lợi của cách mạng.

Lực lượng chiến đấu đã xây dựng và phát triển được nhằm vào các anh chị em lao động, cơ sở cách mạng ở đô thị, trong phong trào thanh niên học sinh, sinh viên, trí thức yêu nước, phong trào Phật tử chống Thiệu-Kỳ, trong anh em trốn lính…”.

Như vậy, ngay từ đầu chiến dịch Mậu Thân 1968, lớp trẻ tại đô thị đã được nhắm đến như là lực lượng nòng cốt để hỗ trợ cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Hôm nay nhìn lại, đại diện cho thế hệ trẻ, sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi (sinh viên đại học quốc tế) cũng khẳng định: “Tuổi trẻ VN mãi mãi tự hào và thành kính tri ân những anh hùng chiến sĩ, đồng chí, đồng bào, người con ưu tú của quê hương. Trong đó, có những chàng trai, cô gái sẵn sàng xả thân xông vào lửa đạn, chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng, làm nên những trận đánh vang dội trong khắp các chiến trường và vào tận sào huyệt của kẻ thù ngay trong lòng đô thị miền Nam.

Càng trân trọng và tự hào về lịch sử, tuổi trẻ chúng tôi càng có ý thức trách nhiệm của mình hôm nay, là phải viết tiếp những trang vàng lịch sử, kế thừa truyền thống và lý tưởng cao đẹp đó. Bằng bàn tay và khối óc, tuổi trẻ Việt Nam đang miệt mài ra sức học tập, chinh phục và làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, hăng hái đến những vùng miền núi hẻo lánh, biển đảo xa xôi, thi đua học tập, lao động và sản xuất với một khao khát cháy bỏng là xây dựng một đất nước ngày càng giàu mạnh… Đặc biệt, tuổi trẻ Việt Nam đang xây dựng hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới - tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn”.

“Thời đó, chúng tôi không ai sợ chết”

Thiếu tướng Phan Văn Lai - Anh hùng LLVTND: Trong cuộc Tổng Tiến công và Nổi dậy Xuân Mậu thân 1968, chiến trường Trị Thiên Huế đã được chọn là một trong 3 trọng điểm của chiến trường miền Nam. Đã từng tham gia nhiều chiến dịch, nhưng với tôi, 26 ngày đêm chiếm giữ TP.Huế trong cuộc Tổng Tiến công Mậu Thân 1968 mãi mãi là khoảng thời gian không thể nào quên được. Những thành công, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong cuộc Tổng Tiến công và Nổi dậy Mậu Thân 1968 là kho tàng lý luận và thực tiễn của ngành Công an nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Gặp, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre - 11 tuổi đã là liên lạc viên: Đến Xuân Mậu Thân 1968, tôi được phân công truyền đạt ý kiến, xin chỉ thị từ lãnh đạo địa phương và nhận ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo bộ… Tôi đã làm tròn nhiệm vụ được phân công. Lúc đó, tôi không hề sợ chết. Nhất là khi tôi được cô Nguyễn Thị Định giáo dục từ nhỏ, lại sinh ra trong gia đình truyền thống yêu nước, nuôi dưỡng cán bộ địa phương, nên rất vui khi tham gia công tác giao liên. Thời đó giặc kiểm soát gắt gao, chỉ những giao liên bé bé con nít (gọi là thiếu nhi) như tôi thì ít bị để ý. Tôi được kết nạp Đảng khi chưa đủ 18 tuổi.

Bà Lương Thị Tâm - bộ phận điệp báo của tỉnh Tây Ninh: Trước chủ trương phải bám vào thắt lưng địch mà đánh, tôi được phân công trong bộ phận trinh sát, bám vào dân, tìm hiểu tình hình để chuẩn bị bước tiến cho lực lượng vũ trang. Lúc sắp diễn ra trận đánh Mậu Thân, việc giữ bí mật là hết sức cần thiết, chính chúng tôi không biết mình sẽ tham gia ở cánh nào, mà chỉ biết đánh vào phía Tây. Tổn thất cũng rất nhiều, vì phía địch quá đông. Tuy nhiên, nhớ lại, thời đó chúng tôi không ai sợ chết, chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và nói chung, đã tham gia chiến dịch thì chấp nhận hy sinh, sẵn sàng vì sự nghiệp thắng lợi của dân tộc. M.T ghi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn