MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Tài nguyên du lịch miền Trung - Tây Nguyên như ngọc thô chưa mài giũa

PHÚC ĐẠT LDO | 16/02/2019 18:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên diễn ra tại Thừa Thiên - Huế vào ngày 16.2.

Ngày 16.2, tại TP. Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Cùng dự còn có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tiềm năng rất lớn

Miền Trung - Tây Nguyên là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á; vì thế khu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Khu vực có 19 tỉnh với diện tích tự nhiên gần 152 ngàn km2, dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500 km biên giới đường bộ. Miền Trung - Tây Nguyên là lãnh thổ có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch.

Nơi đây còn là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 14 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

Trong năm 2018 vừa rồi, tổng lượng khách du lịch đến khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 9,5 triệu lượt); tổng doanh thu từ du lịch là 120 nghìn tỉ đồng.

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Dù vậy, sự phát triển của du lịch miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. 

Tại hội nghị, các tỉnh thành Miền Trung và Tây Nguyên đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành một số nội dung quan trọng như: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các dự án cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Plei Ku. Cho phép xây dựng chính sách xã hội hóa cụ thể cho khu vực nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch vùng, trước hết ưu tiên đầu tư 3 cảng du lịch biển Chân Mây, Nha Trang và Tiên Sa; đầu tư nâng cấp các sân bay quốc tế tại khu vực...

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã nêu lên những mặt tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch của Miền Trung và Tây Nguyên như các dịch vui chơi giải trí còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, tầm nhìn ngắn hạn dẫn đến tài nguyên du lịch bị tàn phá…

“Tài nguyên du lịch nơi đây như một viên ngọc thô chưa được mài giũa, chưa được sáng, chưa tìm được người thợ giũa xứng đáng. Nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là bất lợi, khó tìm được sự nhận diện thương hiệu. Đôi khi là một cái bẫy trong khai thác, quản lý, sử dụng, thiếu chú trọng các yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng rất quan trọng để phát huy cao nhất các giá trị. Như khu vực này thì biển rất nhiều, rất đẹp nhưng môi trường biển bị xâm hại nghiêm trọng, rác thải nhựa và chất thải rắn vô số làm mất đi tài nguyên…”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trao Quyết định chủ trương đầu tư, ký kết các biên bản hợp tác các nhà đầu tư của tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, chứng kiến lễ ký kết các biên bản hợp tác các nhà đầu tư của tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn