MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Tâm lý chờ đợi mức bồi thường sát với thị trường dẫn tới chậm GPMB

Nhóm PV LDO | 14/11/2022 11:17

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải, hiện nay, có tình trạng các chủ thể có quyền sử dụng đất thuộc diện bị thu hồi đất mặc định theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới sẽ được thỏa thuận trong công tác bồi thường, hỗ trợ với mức giá sát với giá thị trường nên có tâm lý chờ đợi, không chấp hành pháp luật khi nhà nước thu hồi đất, dẫn tới khó khăn, chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Hôm nay (14.11), tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, cử tri cả nước.

Bên hành lang Quốc hội, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết cũng như kỳ vọng của cử tri về việc sửa đổi Luật Đất đai lần này?

Về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, tôi nhất trí với nội dung được trình bày tại tờ trình của Chính phủ. Có thể nói Đảng, Nhà nước đang rất kỳ vọng vào Quốc hội trong việc thể chế hóa kịp thời, đúng với các chủ trương, chính sách của Đảng. 

Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang đặt niềm tin rất lớn vào Quốc hội, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng, tiến độ sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết được các bức xúc của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển những năm tới. 

Quốc hội XV đã xác định Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ này, chúng ta nghiên cứu sửa đổi các nội dung của Luật thế nào để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp và giải quyết được các thách thức từ thực tiễn. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét tổ chức một kỳ họp chuyên đề để thảo luật thật sâu về dự án Luật vô cùng quan trọng này.

Về hồ sơ và bố cục dự thảo Luật, mặc dù chúng ta có 3 kỳ để cho ý kiến và thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng ngay từ lần đầu xin ý kiến tại kỳ họp này, Hồ sơ Dự án Luật và các tài liệu liên quan mà Uỷ ban Thường vụ trình ra Quốc hội gồm 17 đầu tài liệu với hàng trăm trang, hết sức công phu, kỹ lưỡng và rất cụ thể chứ không chung, không hô khẩu hiệu, không chép lại Nghị quyết của Đảng;

Tuy nhiên, một số nội dung của dự thảo Luật đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần cầu thị, nghiêm túc tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tránh tình trạng không thể chế được đúng, hết chủ trương của Đảng.

Đặc biệt, tôi đề nghị, sửa đổi Luật Đất đai lần này phải giải quyết quyết được các khó khăn bức xúc của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực tiễn và không để phát sinh ra các khó khăn, vướng mắc mới.

Như ông vừa nói, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nhận được sự kỳ vọng rất lớn của người dân. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng rất khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, vì sao vậy?

Hiện nay, có tình trạng các chủ thể có quyền sử dụng đất thuộc diện bị thu hồi đất trên cả nước đều mặc định theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới sẽ được thỏa thuận trong công tác bồi thường, hỗ trợ với mức giá sát với giá thị trường nên có tâm lý chờ đợi Luật được Quốc hội thông qua, không chấp hành pháp luật khi nhà nước thu hồi đất. 

Tình trạng này dẫn đến các địa phương trong vài năm trở lại đây vô cùng khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hầu hết các dự án bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai, không chỉ các dự án thương mại của doanh nghiệp mà các dự án đầu tư công cũng không thể giải ngân đúng tiến độ. 

Đây là một điểm nghẽn rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước ta. Không khéo, sau khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua không đạt được kỳ vọng của người dân lại gây thêm khó khăn, bất ổn về an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội. 

Tôi đề nghị xem xét lại công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung sửa đổi bộ luật quan trọng, nhạy cảm này trong thời gian qua và có định hướng cho thời gian tới. 

Trong phiên thảo luận tại hội trường, với nội dung liên quan tới việc “bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Về việc Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về "bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” (Điều 44) cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Điều 318, 325, 326 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thế chấp tài sản, thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất.

Theo đó, pháp luật cho phép chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất. Do đó, một số nhà đầu tư thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất (do thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm). 

Vậy nhưng, khi dự án chấm dứt hoạt động và cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định thu hồi đất do chậm tiến độ (theo điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai 2013) hoặc do hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn (theo điểm d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai 2013) thì việc xử tài sản thế chấp như thế nào? 

Trong trường hợp Quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền hàng năm mà không xác định được giá trị tài sản cố định gắn liền với đất thuê thì căn cứ nào để thẩm định giá trị cho vay đối với tổ chức tín dụng để thực hiện quyền này? 

Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề liên quan đến bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” để Quốc hội xem xét quyết định trong kỳ họp tới.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn