MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Tầm nhìn vượt thời đại về kỷ cương, phép nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh

VƯƠNG TRẦN LDO | 19/05/2018 08:09
Nhân dịp Kỷ niệm 128 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2018), PV Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phòng chống tham nhũng, kỷ cương, phép nước.

Theo ông Phúc, đến nay, những tư tưởng của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị. 

Chống tiêu cực, tham nhũng ngay sau khi cách mạng thành công

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, ngay từ khi Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền non trẻ vừa mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận ngay việc phải chống, phòng ngừa tiêu cực, trong đó có chống tham nhũng. Khi đó Bác gọi là tư túng.

“Hơn một tháng sau ngày lập nước, ngày 17.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nêu rõ 6 căn bệnh cần đề phòng là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.

Tiếp sau đó, cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ. Sau này, Quốc lệnh về tội tham ô, trộm cắp của công cũng được ban hành với hình phạt lên tới mức tử hình.

Tháng 10.1947, Bác Hồ lại tiếp tục phê phán, cảnh báo việc tha hóa, biến chất của cán bộ trong đó có nhắc tới việc tham nhũng, tư túng, kéo bè kéo cánh, lấy của công làm của tư…  trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc” – PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc lấy ví dụ.

 PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng). Ảnh: Trần Vương

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, Bác Hồ rất nghiêm khắc trong việc xử lý cán bộ vi phạm. Đặc biệt là liên quan đến việc tham nhũng. Tiêu biểu là vụ xử lý đại tá Trần Dụ Châu năm 1950 - khi đó là Cục trưởng Cục quân nhu có những biểu hiện sa đà vào con đường ăn chơi, ham muốn vật chất, tha hóa khi nắm quyền lực trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, quân đội còn thiếu thốn. Tòa án binh đã tuyên án xử tử.

Ông Châu khi đó đã có đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch Nước. Sau 1 đêm trắng suy nghĩ, Bác đã không chấp nhận đơn này bởi lợi ích của nước, của dân.

Tuy rất nghiêm khắc nhưng Bác không coi trừng phạt là mục đích cuối cùng mà trừng phạt cũng chỉ để giáo dục. Bác vẫn nhắc một ý là “cán bộ Đảng viên ăn ở với nhau phải có tình có nghĩa. Nếu ăn ở với nhau không có tình có nghĩa thì có đọc bao nhiêu sách, trí tuệ như thế nào đi chăng nữa cũng không là người Cộng sản chân chính được.

Chống lại hư hỏng là cuộc chiến khổng lồ

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, trong quá trình sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý đến việc chống tiêu cực, chống tham nhũng để nhắc nhở, giáo dục, xử lý cán bộ, đảng viên.

Bác luôn nhắc nhở cán bộ phải luôn tự mình làm gương, tu dưỡng, rèn luyện. Dù là ai, ở cấp nào, dù là Bộ trưởng ở Trung ương hay tướng lĩnh thậm chí là lãnh đạo cấp cao hơn nữa nếu không tu dưỡng thì cũng trở thành nạn nhân, tù binh của chính sự thoái hóa biến chất đó.

“Trong nhiều lần nói chuyện, làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh việc chống những biểu hiện hư hỏng, sự tha hóa là một cuộc chiến đấu khổng lồ. Xét cho cùng mọi sự hư hỏng, mọi sự tha hóa, biến chất gốc của nó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân nó như những vi trùng độc hại sẽ sinh ra nhiều căn bệnh.

Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: T.L 

Nhưng Bác lại lưu ý rằng chống chủ nghĩa cá nhân chứ không phải chà đạp lên lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân chính đáng, bảo vệ con người thì mình phải bảo vệ, thậm chí phải chăm chút. Bởi vì cách mạng cuối cùng cũng là vì con người nên phải lo cho con người chứ không phải chà đạp lên lợi ích cá nhân. Cái gì chính đáng thì mình phải bảo vệ, chăm chút cái đó.

Trong di chúc của Người trước lúc đi xa cũng đã có dặn dò rất kỹ: "Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn