MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

PHẠM ĐÔNG LDO | 14/08/2023 10:22

Dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng 14.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 8, phiên họp thứ 25.

Tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương...

Cùng dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái...

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nội dung phiên họp này tập trung chủ yếu chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV và các nội dung khác. Đây là phiên họp có nội dung lớn nhất, kể từ đầu năm đến nay với 20 nội dung.

Để đảm bảo hoàn thành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu các nội dung; đặc biệt là nhóm giám sát chuyên đề với 5 chuyên đề lớn.

Phiên họp cũng tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thường niên vào tháng 3 và tháng 8.

Trong đó, lĩnh vực thuộc Bộ Tư pháp liên quan đến xây dựng pháp luật, đấu giá, giám định tư pháp... Còn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có nội dung liên quan đến vấn đề gạo, xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.

"Hiện nay về tình hình lương thực, trên thế giới đã có một số nước cấm xuất khẩu, một số nước rút khỏi sáng kiến lương thực. Hiện giá gạo đang tăng lên.

Chúng ta tận dụng cơ hội này như thế nào để vẫn đảm bảo được ổn định thị trường trong nước và an ninh lương thực trong nước là bài toán cần phải tính toán để đạt được đa mục tiêu trong giai đoạn này", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Về hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Có thể kể đến như: Dự án sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”...

Về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật: Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Xem xét dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn