MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14.9. Ảnh: Minh Hùng

Tăng cường kiểm toán, siết chặt kỷ luật tài chính

Phạm Đông LDO | 15/09/2021 06:30
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, ngày 14.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung kiểm toán các chuyên đề phục vụ cho công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, đặc biệt là tăng cường kiểm toán phục vụ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính, tiền tệ.

Tăng cường kiểm toán phục vụ thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô 

Trình bày báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, tính đến ngày 31.8.2021, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 144/211 đoàn kiểm toán, kết thúc 108 đoàn (đạt 51%), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đoàn đang triển khai phải dừng thực hiện (37 đoàn). Tổng hợp sơ bộ đến ngày 31.8.2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỉ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến ngày 31.8.2021, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỉ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đơn vị Kiểm toán Nhà nước không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến. Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Trong bối dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Kiểm toán Nhà nước có nỗ lực, cố gắng rất lớn, có nhiều giải pháp linh hoạt, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước hoạt động toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, trách nhiệm và quyết liệt hơn, bám sát quy định của pháp luật.

“Đồng thời, cần công khai, minh bạch hoạt động - vũ khí quan trọng của kiểm toán để siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách; thông qua đó, người dân và xã hội giám sát trở lại hoạt động kiểm toán” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trong mục tiêu kiểm toán chung cần tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, đặt lên hàng đầu; đảm bảo kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách; việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; đảm bảo an toàn, bền vững của nợ công...

Đề nghị đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19.

“Mục đích sử dụng và hiệu quả của nó thế nào? Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mà cái này có thể phải trường kỳ kháng chiến chứ không phải ngày một, ngày hai. Mẫu đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào, một mẫu PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vaccine nhiều”- ông Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ tài lực, nhân lực, vật lực là đúng. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội huy động được.

Trọng điểm kiểm toán của năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không?

“Vừa rồi sử dụng nguồn lực rất nhiều nhưng đối tượng nào được hưởng? Cách thức sử dụng và mục tiêu sử dụng thế nào? Chính sách rất ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể có những chính sách chưa phù hợp hoàn toàn. Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về công tác đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng kiểm toán công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kể cả Trung ương và địa phương.

“Theo số liệu sơ bộ, khả năng năm 2021 có khoảng 80.000 tỉ vốn đầu tư không tiêu được, tức là chưa có đối tượng phân bổ”- Chủ tịch Quốc hội nói và dẫn chứng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 hiện chưa phân bổ được đồng nào.

“Đầu tư công vừa rồi còn 70, 80 dự án lớn chưa có chuẩn bị đầu tư”- Chủ tịch Quốc hội nói tiếp và đánh giá đây là khuyết điểm.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hết sức cân nhắc kiểm toán các dự án dở dang, nhất là dự án có yếu tố nước ngoài. “Nửa chừng mình vào kiểm toán, đưa ra những ý kiến kiến nghị đề xuất, lại liên quan đến cơ chế tài chính trong nước và ngoài nước, nếu vướng mắc không giải quyết được thì tác động rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Nên chăng những cái đó cứ để làm cho xong đi rồi mình vào kiểm toán một thể” - ông Huệ nói.

Tại sao số chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm lại ít

Thảo luận về báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, năm 2021 chỉ còn chưa đầy 4 tháng, trong khi khối lượng công việc theo kế hoạch năm của KTNN còn đến 49%, do đó cần đánh giá thêm khả năng hoàn thành kế hoạch, đề xuất giải pháp để hoàn thành kế hoạch.

Đề cập tỉ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị những năm qua đạt thấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề xuất công khai các đơn vị không thực hiện kết luận của KTNN; chuyển cơ quan điều tra các đơn vị có dấu hiệu tội phạm.

“Tỉ lệ thực hiện các kiến nghị của kiểm toán trong năm 2021 rất thấp, chỉ đạt 49,9%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%). Đáng chú ý trong 3 năm gần đây kết quả thực hiện các kiến nghị của kiểm toán đều thấp và năm 2021 là thấp nhất. Đây là vấn đề đã nói nhiều năm cho nên cần lưu ý và có giải pháp. Do đó cần công khai các đơn vị không thực hiện kết luận của kiểm toán để báo cáo trước Quốc hội” - bà Lê Thị Nga nêu quan điểm và cũng đặt vấn đề “tại sao số chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm lại ít thế”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chung quan điểm cho rằng cần công bố, công khai với Quốc hội về các cá nhân, tổ chức ban hành các văn bản không đúng thẩm quyền, sai quy định để khắc phục tồn tại hạn chế và các kiến nghị kiểm toán sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh hơn. Bên cạnh đó, nếu thực hiện tốt việc xử lý tài chính sau kiểm toán thì đây sẽ là nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn