MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: T.Vương

Tăng cường kiểm tra giám sát, không để cán bộ “dính chàm”

TRẦN VƯƠNG LDO | 31/08/2020 06:30
PGS.TS Nguyễn Văn Giang - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong sinh hoạt Đảng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, sớm phát hiện ra những sai phạm, ngăn chặn kịp thời những sai lầm không để “dính chàm”. Đồng thời, cần xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm để cảnh tỉnh, răn đe và làm bài học cho những người khác.

Không giữ được bản lĩnh dễ dẫn tới bị cám dỗ

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tạo dấu ấn mạnh mẽ thể hiện rõ qua việc kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao mắc sai phạm.

Mới đây nhất, ngày 28.8.2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Như vậy, sau 17 ngày bị tạm đình chỉ công tác, đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Trước đó, tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ cao cấp ở các thành phố lớn này cũng có những vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Gần đây là vụ việc Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TPHCM Trần Trọng Tuấn cùng nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật trong công tác.Hay kể cả những cán bộ đã về hưu có sai phạm như cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã vướng vòng lao lý.

Liên quan tới việc này, trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc nhiều cán bộ cao cấp, cán bộ chủ chốt ở các thành phố lớn bị xử lý kỷ luật là điều rất buồn nhưng chúng ta vẫn phải làm. Việc này làm để trong sạch bộ máy, hệ thống chính trị vững mạnh. Những điều đó là điều mà trong thời gian qua Đảng ta tiến hành một cách hết sức quyết liệt.

“Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong Đảng. Và việc tiến hành chỉnh đốn Đảng hiện nay đang được thực hiện một cách quyết liệt, có những kết quả rõ nét. Cùng với đó, chúng ta cũng chỉ ra những điểm thiếu sót, yếu kém để chấn chỉnh” - ông Hùng nói và cho hay, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. 

Cùng phân tích việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây Dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận, vừa qua có nhiều trường hợp lãnh đạo chủ chốt ở một số địa phương vi phạm, hoặc có dấu hiệu vi phạm đang được điều tra. Theo đó, có những trường hợp vi phạm đã xảy ra từ trước khi được điều động, bổ nhiệm và có những trường hợp phát sinh vi phạm từ trong quá trình nắm chức vụ, quyền hạn trong tay.

Theo ông Giang, nguyên nhân của những vi phạm này được xác định gồm có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Một phần nguyên nhân do nhận thức của những người lãnh đạo này chưa lường trước, nắm vững hết tất cả các mặt của đời sống, đặc biệt pháp luật kinh tế nên còn để dẫn tới những sai sót. Nhưng có một nguyên nhân khác được chỉ ra đó là có những dấu hiệu lợi ích, những “lợi lộc” từ quá trình được trao quyền, thực hiện chức trách nên đã có những quyết sách sai hoặc cố tình làm sai.

“Có những trường hợp không giữ được mình, bị vật chất, lợi ích cám dỗ dẫn tới tham nhũng, vi phạm”, ông Giang nói.

Ngăn ngừa sớm, không để “dính chàm”

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Giang việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ cần phải được biệt chú ý để tránh trường hợp bố trí “nhầm” cán bộ. Bố trí cán bộ phải “đúng người, đúng việc” mới phát huy được. Đặc biệt, cần phải hết sức lưu ý những trường hợp cán bộ có dấu hiệu vi phạm phải phát hiện sớm, ngăn ngừa sớm, không để lọt vào bộ máy.

Ông Giang cũng cho rằng, để ngăn ngừa những sai phạm này trước hết công tác đánh giá cán bộ phải rất sát sao, chuẩn mực để chọn được người đủ tầm, đủ năng lực. Cùng với đó cần phải bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ khi đảm đương nhiệm vụ, tránh để xảy ra vi phạm, sai phạm do nhận thức.

Trong sinh hoạt Đảng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, sớm phát hiện ra những sai phạm, ngăn chặn kịp thời những sai lầm không để “dính chàm”, chứ để một thời gian dài không có ai kiểm tra, nhắc nhở, “muốn làm gì thì làm” thì rất khó cứu chữa. Do đó, cần thực hiện việc kiểm tra giám sát thật tốt, nhất là thực hiện nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Một giải pháp khác đó là cần phải xử lý nghiêm để răn đe, để cảnh tỉnh và làm bài học cho những người mắc sai phạm và những cán bộ, lãnh đạo khác.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” đang được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện một cách quyết liệt, bài bản. Điều này giống như việc nhìn thẳng vào những khuyết điểm và sửa chữa những khuyết điểm đó để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

Việc xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện một cách trung thực, khách quan, đúng người, đúng sai phạm để giáo dục, để răn đe và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đưa Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn