MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN

Tăng cường quan hệ Việt Nam - Indonesia sâu rộng và thực chất hơn

Khánh Minh LDO | 04/08/2023 06:00

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) Puan Maharani và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 4 đến 10.8.

Tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Indonesia

Trao đổi với TTXVN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Indonesia sau 13 năm, kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2010.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang thiết thực kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược (2013-2023) và hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, xem xét để nâng cấp quan hệ ngoại giao trong thời gian tới.

Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, chủ động, tích cực, củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị giữa hai nước...

Về hợp tác Nghị viện Việt Nam - Indonesia, bà Lê Thu Hà cho hay, trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ ký lại thỏa thuận hợp tác với những nội hàm hợp tác mới sâu rộng hơn, bao trùm và cụ thể hơn, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới hiện nay.

Hai bên đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và các tổ chức nghị viện đa phương khác để ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Việt Nam chủ động đề xuất 3 sáng kiến tại AIPA-44

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lê Thu Hà, chủ đề chính của AIPA-44 là “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng”, có sự gắn kết và phù hợp với chủ đề chung của ASEAN năm 2023 là: “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”.

Với chủ đề này, Việt Nam cũng chủ động đề xuất 3 dự thảo Nghị quyết.

Một là, dự thảo Nghị quyết về “Chuyển đổi số do phụ nữ dẫn dắt và vì phụ nữ” nhằm khẳng định thành tựu của chuyển đổi số và đổi mới công nghệ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng. Trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy và tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số ở mỗi quốc gia, bảo đảm phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.

Hai là, dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”, xác định vai trò sáng tạo; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất, tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, công nghệ số phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh mới, chuyển đổi nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học - công nghệ; phát triển khoa học - công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ba là, dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy áp dụng các hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp” được đưa ra trong bối cảnh hơn 6% người dân tại Đông Nam Á chịu cảnh thiếu lương thực (theo số liệu cập nhật của FAO).

Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư có trách nhiệm vào các hệ thống cung cấp lương thực trong khu vực nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tại khu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn