MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một lớp học tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An). Ảnh: kenh14.vn

Tăng lương cho giáo viên: “Nhà nghèo” phải biết căn cơ!

LÊ PHƯƠNG - KHÁNH HÒA LDO | 12/06/2018 07:19

Chiều 11.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Cùng với nhiều ý kiến tại nghị trường, bên hành lang Quốc hội, vấn đề tăng lương cho giáo viên và câu chuyện tín dụng dành cho sinh viên sư phạm cũng thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH. Bên cạnh ý kiến băn khoăn về hiệu quả chương trình tín dụng, nhiều ĐB ví câu chuyện tăng lương cho giáo viên ngặt nghèo như nhà nghèo phải căn cơ tính toán.

Tín dụng cho sinh viên sư phạm: Nhân văn nhưng không thực tế

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 11.6, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc miễn giảm học phí cho sinh viên (SV) trường sư phạm sẽ không thực sự khuyến khích người giỏi. “Tôi cho rằng chúng ta đã thực hiện một chính sách rất nhân văn nhưng không thực tế nên có ưu tiên nhưng không phải ai cũng sẵn sàng vào học sư phạm. Có ưu tiên nhưng những người giỏi không màng tới vì sư phạm là nghề cao quý, cần người ngay từ ban đầu đã xác định phải tâm huyết, phải thích nghề, thích rút ruột ra cho xã hội.

Chính sách tín dụng giống như lấy một miếng mồi ra nhử, thế thì chỉ có thể thu hút được những người hồn nhiên, thậm chí thu hút những người lợi dụng nhằm giải quyết vấn đề trước mắt là được học đại học, lấy tấm bằng chứ không phải thu hút được những người tâm huyết với nghề” - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, theo ĐB Nhưỡng, băn khoăn trên cũng dễ nảy ra vấn đề thứ 2 vì sợ người ta lợi dụng thì chuyển sang tín dụng. Khi chuyển hỗ trợ sang tín dụng nghĩa là treo lơ lửng một trách nhiệm với xã hội chứ không phải anh nghiễm nhiên được hưởng những cái của xã hội. Câu chuyện lợi dụng có thể xảy ra nhưng giảm bớt đi và anh phải lo gánh nặng sau, cũng như câu chuyện giảm nghèo, trước cấp gạo khẩu phần ăn, cấp tiền, dần dần phải hỗ trợ có điều kiện, tôi dạy nghề cho anh chứ không cho cơm.

Chung quan điểm gói tín dụng sẽ không thu hút được người tài, ĐB Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng - cho rằng, việc này không ổn vì cơ sở giáo dục sư phạm vắng bóng SV giỏi. “Chúng ta nên hỏi các bạn SV sư phạm vì đã áp dụng chính sách miễn học phí cho các bạn một thời gian dài nhưng vẫn ở trạng thái SV không mê lắm với hình thức đó. Chúng ta đang trong tình trạng các cơ sở giáo dục sư phạm vắng bóng các bạn SV giỏi. Có gì đó chưa thực sự ổn lắm cho công tác đào tạo này. Vấn đề không phải miễn hay cho một gói tín dụng không thu lãi, vấn đề là các bạn ra trường làm việc trong môi trường nào, làm việc với ai, làm việc theo chương trình, điều kiện như thế nào,… Chắc chắn một điều ai theo đuổi ngành giáo dục đều có tâm nguyện ra trường được đi dạy, cống hiến, đào tạo lớp người tương lai cho đất nước thật tốt. Nhưng hiện nay điều đó rất khó” - ông Sơn băn khoăn.

Còn ĐBQH Dương Trung Quốc nhận định, gói tín dụng chỉ giải quyết cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, chuyện quan trọng nhất là muốn chọn người giỏi thì không làm được. Theo ông Quốc, việc này phải nhìn ở góc độ của nhà đầu tư, phải có sản phẩm là các thầy cô giáo phục vụ cho ngành sư phạm, nếu không ngành giáo dục quản lý như hiện nay thì các cháu học xong đi làm nghề khác sẽ rất khó. Cuối cùng vẫn là câu chuyện đầu tư không có hiệu quả.

“Đây không phải là vấn đề nắm đằng chuôi hay đằng lưỡi mà vấn đề làm sao thu hút các cháu giỏi, gắn bó với nghề, đầu tư để phục vụ ngành sư phạm chứ không phải chỉ giải quyết khó khăn cho các cháu” - ĐBQH Dương Trung Quốc nói. Ông Quốc cũng đồng ý với phương án truy thu nếu sinh viên được nhận ưu đãi nhưng không phục vụ trong ngành sư phạm vì phải đặt điều kiện chứ không thể dàn trải nguồn lực.

Giáo viên vùng cao còn gặp muôn vàn khó khăn, trong đó, lương và các chế độ đãi ngộ còn thấp. Tuy nhiên, với họ, chỉ cần vận động các em học sinh đến trường đầy đủ đã là một niềm vui.Ảnh: P.V

Tăng lương - vấn đề bức thiết

ĐBQH Dương Trung Quốc đã thốt lên: Chuyện tăng lương cho giáo viên như nhà nghèo phải biết căn cơ. Ông Quốc cho rằng, vấn đề này nếu chỉ bàn lý thuyết thì dễ, nhất là đối với giáo viên thì không ai tiếc gì đầu tư nhưng giải pháp cụ thể phải có. Xã hội hóa đóng vai trò rất quan trọng, nếu biết tổ chức, biết khai thác thì xã hội hóa sẽ góp phần thúc đẩy đời sống của thầy cô giáo. Xã hội hóa không thuần túy chỉ là vấn đề học phí mà xã hội hóa là mối quan tâm của xã hội với tầng lớp giáo viên.

ĐB Dương Trung Quốc nhìn nhận chuyện lương giáo viên không đủ sống, nhiều giáo viên cắm bản khó khăn là một bài toán rất khó, ai cũng nhận thức ra nhưng làm như thế nào thì không dễ. “Tôi nghĩ Nhà nước đúng là khó khăn nhưng nếu chúng ta chỉ cần bớt đi những cái lãng phí trong xã hội thì sẽ có nguồn lực rất lớn nên chúng ta phải có ý thức chuyện này. Đây là bài toán của một gia đình nghèo phải biết căn cơ, tính toán” - ông Quốc nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhắc lại chuyện Chính phủ 3 lần hoãn tăng lương giáo viên cũng như thực trạng thiếu nguồn lực trong khi nhu cầu tăng lương cho giáo viên đang rất bức thiết. Ông Nhưỡng cho rằng chúng ta có rất nhiều sự lãng phí, lãng phí rất lớn, nếu biết tiết kiệm thì sẽ dành được nhiều nguồn lực cho giáo dục.

“Tôi nghĩ rằng Chính phủ phải có tính toán và cân đối vì chúng ta thừa nhận một điều không thể chối cãi được là lương của giáo viên rất thấp trong khi đó đòi hỏi yêu cầu cống hiến và yêu cầu công việc rất lớn. Nếu không có sự đãi ngộ và động viên một cách tương xứng sẽ không thu hút và khuyến khích họ làm việc nâng cao được. Một người muốn yêu nghề phải có cơ sở để yêu nghề” - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Nhưỡng, chúng ta phải lo chế độ cho các nhà giáo, trong đó, có việc tăng lương và lương còn liên quan tới BHXH. Đặc biệt, việc chăm lo này không chỉ góp phần giải quyết rủi ro nghề nghiệp mà còn giải quyết rủi ro xã hội khi giáo viên không đứng trên bục giảng nữa. Ông Nhưỡng khẳng định, đây là vấn đề hết sức bức thiết chứ không còn là lúc chúng ta phải bàn nhiều nữa.

Trả lời câu hỏi PV Lao Động về việc tinh giản biên chế và tăng lương có quan hệ như thế nào, ông Nhưỡng cho rằng, việc tinh giản chỉ nên tập trung ở bộ phận hành chính chứ không phải tinh giản biên chế ở lĩnh vực này. “Tôi giữ quan điểm và không đồng tình với việc giữ mãi biên chế với giáo viên. Biên chế đối với giáo viên theo kiểu tuyển dụng để làm suốt đời không quan trọng, có thể biên chế, có thể hợp đồng lao động và dần dần chuyển sang hợp đồng càng tốt nhưng điều quan trọng nhất là số lượng giáo viên cho các lĩnh vực đào tạo của chúng ta là phải tăng cường, trước có thể 500 giờ phải 700.

Việc này xuất phát từ nguyên nhân dân số cơ học tăng, nhu cầu học tăng, số lượng lớp tăng, trường tăng mà không tăng giáo viên thì lấy ai làm? Không ai thay thế được giáo viên kể cả đưa các chương trình online, tương tác ảo thì vẫn cần giáo viên vì đó là người trực tiếp soạn ra các chương trình, soạn bài, giáo viên là những người truyền đạt kinh nghiệm, người mang tấm gương của mình hun đúc cho các thể hệ học trò” - ông Nhưỡng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn