MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cùng với việc tăng lương phải kiểm soát được lạm phát, tránh tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu kiểu “té nước theo mưa” thì việc tăng lương mới có ý nghĩa thực sự. Ảnh: Hải Nguyễn

“Tăng lương rất mừng, xin đừng tăng giá”

VƯƠNG TRẦN - LƯƠNG HẠNH LDO | 29/06/2024 06:30

Cùng với việc tăng lương phải kiểm soát được lạm phát, tránh tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo kiểu “té nước theo mưa” thì việc tăng lương mới có ý nghĩa thực sự. Và trong hầu hết các lần tăng lương trước đây, lạm phát đều được kiểm soát mang đến những bài học kinh nghiệm trong việc này.

Cần nghiên cứu mức thuế giảm trừ gia cảnh khi tăng lương

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024. Theo dự kiến chương trình, trong phiên bế mạc hôm nay (29.6), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV trong đó có nội dung thực hiện cải cách tiền lương.

Trước Quốc hội, khi nói về đề xuất mức tăng lương cơ sở 30% từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1.7.2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là “phương án tốt nhất có thể, tinh thần chung tạo tâm trạng xã hội hài lòng”.

Tăng lương cơ sở 30% - mức tăng cao nhất trong lịch sử là một tin vui với hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ khu vực công. Bên cạnh niềm vui về việc tăng lương, tăng thu nhập, một nỗi lo của nhiều người trước mỗi kỳ tăng lương đó chính là tăng giá. Nhiều ý kiến bày tỏ “tăng lương rất mừng, xin đừng tăng giá”.

Nhìn nhận việc tăng lương cơ sở từ ngày 1.7 với mức 30% là một việc rất phấn khởi, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, tăng lương, giá tiếp tục tăng cho nên cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.

“Cần phải kiểm soát giá để tránh tình trạng đồng lương tăng được một chút, cuối cùng tất cả các mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh hơn. Tất nhiên ta khống chế ở mặt tâm lý, khống chế ở việc lợi dụng tăng lương để tăng giá và độc quyền. Cùng với đó cần tăng các điều kiện sản xuất để kiểm soát giá cả” - ông Hạ nói.

Ngoài ra, ông Hạ cũng cho rằng, khi tăng lương phải nghiên cứu mức thuế giảm trừ gia cảnh. Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. “Ta tăng 30% lương thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng được 30% thậm chí phải đến 50%. Giảm trừ gia cảnh hiện nay tôi nghĩ cũng cần phải quan tâm” - ông Hạ nhấn mạnh.

Hóa giải tình trạng hàng hóa tăng giá, ăn theo

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM - phân tích, trong vòng 20 năm qua chúng ta đã 14 lần tăng mức lương cơ sở. Trong đó hầu hết các lần tăng lương, lạm phát đều giảm, chỉ có 2 lần tăng lương vào năm 2008 và 2011 là lạm phát tăng. Tuy nhiên 2 năm 2008, 2011 việc lạm phát này không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới, do giá dầu thế giới tăng cộng với tỉ giá trong nước tăng. Vì lẽ đó trong thời gian tới, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế bớt việc ảnh hưởng của tăng lương cơ sở đến tình hình lạm phát.

Trong đó, đầu tiên là chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỉ giá. Cùng với đó, việc điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải giãn ra, không tăng cùng một lúc và cách xa mốc ngày 1.7.2024.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, cần phải chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất. Và quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, thực hiện cải cách tiền lương phải đảm bảo bao trùm các đối tượng cũng như hưởng chính sách xã hội có liên quan.

Chính phủ đề xuất thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1.7.2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1.1.2025). Hai nội dung này đã rõ nên thực hiện không vướng.

Khu vực công thực hiện 4/6 nội dung cơ bản: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1.7.2024 (bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Với 2 nội dung còn lại khó khăn vướng mắc, bất cập thì theo hướng giữ nguyên hệ số lương cơ sở hiện nay và điều chỉnh mức lương cơ sở thêm 30% và mức điều chỉnh này cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu phụ cấp hiện hưởng cũng giữ nguyên, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh phụ cấp, chế độ với một số đối tượng đặc thù mà còn hưởng thấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn