MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tăng năng lực phản ứng chính sách, chống lợi ích nhóm trong xây dựng luật

PHẠM ĐÔNG LDO | 27/02/2024 18:43

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.

Ngày 27.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2.2024 với 11 nội dung quan trọng, theo TTXVN.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật.

Trong đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các thành viên Chính phủ đề nghị xây dựng các quy định khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành, nhất là trong cấp phép lưu hành thuốc, tránh cơ chế xin - cho; phát triển theo cơ chế thị trường; tăng cường phân cấp, phân quyền.

Đồng thời phải đơn giản hóa thủ tục hành chính; khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp dược; kiểm soát quảng cáo dược theo quy định và đạo đức xã hội; quy định kê khai giá bán thuốc…

Về đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi), Chính phủ thảo luận, cơ bản thống nhất về các nội dung liên quan đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt...

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình theo quy định đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Về chuẩn bị đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trình các đề nghị xây dựng luật để trình Chính phủ xem xét, thông qua; tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội; bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Theo Thủ tướng Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua khoảng 9 luật, cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án luật.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, số lượng các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 rất lớn, nên các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.

“Các bộ, ngành xây dựng các luật đảm bảo đúng quy trình, thủ tục; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông cho phát triển.

Kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung đã được pháp luật quy định nhưng thực tiễn vượt qua và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn mà luật pháp chưa có. Việc diễn đạt các nội dung phải rõ ý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát…," Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tập trung nguồn lực, có chế độ tuyển dụng, ưu đãi nhiều hơn đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Đồng thời rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời sửa đổi để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân; tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện nước ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn