MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng bào dân tộc thiểu số mong sớm triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh H.A

Tăng tốc giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Xuyên Đông LDO | 24/10/2022 06:10

Từ đầu năm đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, cao hơn khoảng 35.000 tỉ đồng (tăng 16%) so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 3 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.

Tỉ lệ giải ngân thấp

Hiện nay, Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tính đến thời điểm hiện tại, các chương trình mục tiêu quốc gia có tốc độ giải ngân rất thấp. Tiêu biểu như chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021, có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bắt đầu được giải ngân từ năm 2022 mang theo nhiều kỳ vọng của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tiễn tốc độ giải ngân của chương trình còn rất thấp. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, tiến độ giải ngân chung nguồn vốn của chương trình mới đạt 4,05% trong số tổng kinh phí 626.229 tỉ đồng, chủ yếu từ các địa phương triển khai thực hiện bằng ngân sách địa phương.

Theo lý giải của Ủy ban Dân tộc, nguyên nhân giải ngân chậm mang nhiều yếu tố khách quan do đây là một chương trình mới hoàn toàn, vì vậy cần nhiều các văn bản hướng dẫn cũng như khảo sát đánh giá thực trạng của các địa phương để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Hơn nữa, theo Luật Đầu tư và Luật Ngân sách Nhà nước thì vốn đầu tư phải được Quốc hội thông qua. Tháng 7.2022, nguồn vốn mới được phân bổ. Thời điểm phân bổ vốn muộn trong khi chương trình chủ yếu thực hiện tại các địa phương nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phải hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2022…

Hiện tại mới có 38/63 địa phương cân đối, bố trí trên 13.400 tỉ đồng từ vốn từ ngân sách địa phương; đến cuối tháng 9.2022, giải ngân từ ngân sách Trung ương ước đạt gần 927 tỉ đồng, bằng 2,86% kế hoạch.

Quyết tâm hành động cao nhất

Ngày 17.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra Chỉ thị số 19 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo tiến độ, giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định.

Các bộ, ngành địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án năm 2023 bảo đảm đúng thời gian quy định Luật Đầu tư công.

Đẩy mạnh phân cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đánh giá về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nhìn chung việc triển khai cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm. Vừa qua, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát về các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua  giám sát, đoàn giám sát của Quốc hội cần có kiến nghị chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai không chỉ với 3 chương trình thuộc phạm vi giám sát lần này, mà từ nay chương trình mục tiêu quốc gia phải nhanh hơn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn