MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần sự hỗ trợ từ chính sách để DN trụ vững, đảm bảo sản xuất chờ dịch COVID-19 đi qua. Ảnh: KH.V

Tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt 3,82% là thành công

Kim Khánh LDO | 28/03/2020 16:01

Chiều 27.3.2020, Tổng cục Thống kê công bố: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, cộng đồng chung Châu Âu (EU) đang trong tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận. 

GDP đạt 3,82% - tăng trưởng không tệ

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 27.3.2020, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh này, xuất khẩu bị gián đoạn, hoạt động du lịch, giao thông vận tải bị tác động trực tiếp khi cả nước gồng mình ứng phó với dịch bệnh, “nhưng với kết quả tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt 3,82% không phải là tệ, bởi thông thường, tăng trưởng quý I vẫn thấp hơn các quý khác” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

 Ở góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long cũng phân tích: Quý I/2020, thế giới phải chịu nhiều tác động tiêu cực: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn căng thẳng; nền kinh tế của 2 đầu tàu kinh tế của thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều bị suy giảm; FED cắt giảm lãi suất; dịch bệnh COVID-19… đã tác động lên nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

TS Ngô Trí Long nói và nhấn mạnh: Mức tăng trưởng GDP 3,82% tuy không đạt như kỳ vọng ban đầu, nhưng sẽ không tạo ra sự giảm tốc về tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh những khó khăn mà Việt Nam phải đương đầu trong quý I/2020, các mặt hàng nông lâm thủy sản không chỉ bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, mà còn bị thiệt hại do hạn hán và ngập mặn trên diện rộng tại ĐBSCL; ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm… nhưng tăng trưởng ngành Nông nghiệp quý I/2020 vẫn đạt 0,08% trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế cũng là mức tăng trưởng có thể tạm yên tâm. 

Cũng chung ý kiến, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP vẫn đạt ở mức 3,82% là nhờ Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước vẫn được duy trì, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố bên ngoài.

Quý II: Khống chế được dịch bệnh và các giải pháp tăng trưởng kinh tế

Nhận định tình hình tăng trưởng về kinh tế quý II/2020, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch COVID-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn.

Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, trong quý II/2020 tăng trưởng kinh tế của thế giới và Việt Nam sẽ chưa thể có sự khởi sắc hay đột phá bởi dịch COVID-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp. Mục tiêu số 1 của chúng ta trong quý II/2020 là khống chế được dịch bệnh, đồng thời tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng chậm lại do bị tổn thất từ dịch bệnh COVID-19, chúng ta vừa phải khống chế dịch bệnh, vừa ổn định sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

“Để hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, chính phủ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tiền tệ  với 3 mục tiêu: 1/Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; 2/miễn và giảm lãi suất; 3/giữ nguyên nhóm nợ. Điều này thể hiện sự hỗ trợ, chia sẻ nhưng cũng bày tỏ thông điệp không bao cấp cho yếu kém. Về chính sách tài chính, cần thực hiện hoãn và giãn thuế” - TS Ngô Trí Long nêu ý kiến. 

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế thế giới và Việt Nam phải đương đầu không chỉ trong quý II mà còn có thể kéo dài trong những quý còn lại. Nếu dịch bệnh chưa được khống chế, sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực, hoạt động kinh tế chứ không riêng ngành Du lịch, Giao thông Vận tải, lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Nhận định về khả năng tăng trưởng của quý II/2020, TS Ngô Trí Long cho rằng: “Giữ được mức tăng trưởng GDP quý II tương đương quý I cũng là thành công!”. Còn theo góc nhìn của TS Nguyễn Đức Độ, nếu năm nay Việt Nam duy trì tăng trưởng từ 5-6 thì có thể coi là thành công.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn trí Hiếu cho rằng, tình hình dịch bệnh diễn biến như vậy, quý II/2020 có lẽ tình hình sẽ khó khăn hơn, tác động của dịch bệnh lên toàn diện nền kinh tế Việt Nam. Dự báo cho cả năm 2020, GDP có thể giảm sâu, nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn, thậm chí phải đóng cửa.

Chính phủ đã có gói hỗ trợ nền kinh tế 285.000 tỉ - gói cứu trợ này được thực hiện sau khi Chính phủ có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho nền kinh tế, bao gồm 2 gói nhỏ là 35.000 tỉ do Bộ Tài Chính quản lý để giảm thuế, giãn thuế và gói 250.000 tỉ của phía Ngân hàng Nhà nước chủ trì để yêu cầu các ngân hàng sử dụng vốn của mình để giãn nợ, giảm nợ, giảm lãi suất, tái cơ cấu lại các gói nợ.

Chính phủ cũng cần phải có 1 biện pháp mạnh tay như  bơm tiền vào cho các doanh nghiệp để giúp họ vượt qua khủng hoảng, giúp họ có tiền để trả lương công nhân, trả nợ ngân hàng, mua nguyên vật liệu thì không thể sống được. Thậm chí, hỗ trợ về mặt tài chính, có nhiều cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp, như thông qua và bổ sung nguồn vốn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng, từ quỹ đó bảo lãnh cho các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay, trong trường hợp  doanh nghiệp phá sản, không trả được nợ thì quỹ bảo lãnh đó sẽ bồi thường cho các ngân hàng. Bên cạnh đó là các biện pháp miễn thuế, giảm thuế, giảm lệ phí…  Cường Ngô (ghi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn