MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hoá). Ảnh: Quochoi.vn

Tăng tuổi nghỉ hưu: Giữ chức không quá 2 nhiệm kỳ để tránh giữ "ghế"

C.Nguyên - Đ.Chung - T.Trung LDO | 30/05/2019 18:16
Để giải quyết lo lắng "tăng tuổi hưu sẽ căng thẳng chuyện giữ ghế", đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng nên áp dụng việc giữ chức không quá 2 nhiệm kỳ.

Tác động đến chuyện thay thế cán bộ quản lý

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 30.5 về việc điều chỉnh tuổi hưu theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ tác động như thế nào đến công tác quy hoạch cán bộ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Công tác quy hoạch cán bộ đương nhiên sẽ cộng thêm hoặc giảm bớt thời gian tương ứng với việc điều chỉnh tuổi hưu.

"Đến năm 2020, giả sử theo phương án 1 trong dự thảo, tất cả những người cộng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì đương nhiên công tác quy hoạch của những người giữ chức vụ lãnh đạo đó sẽ được cộng thêm thời gian tương ứng", ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, vấn đề tăng tuổi sẽ có tác động đến chuyện thay thế đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo.

"Bảo không là không đúng, tất nhiên, tác động rất chậm. Ví dụ, anh nâng 1 tuổi, tác động ngay 1 năm, nâng 3 tháng thì chỉ tác động 0,4 năm. Sự tác động này chậm hơn, có thể đáp ứng được nhu cầu", ông Lợi phân tích.

Ông Lợi cũng lưu ý, Chính phủ phải nghiên cứu triệt để một số quy định của Đảng, Nhà nước về việc giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ để vận dụng một thời gian, đỡ căng thẳng câu chuyện giữ "ghế" khi tăng tuổi hưu.

Tăng tuổi hưu không làm mất cơ hội của giới trẻ

Theo ông Lợi, những người thực sự có tài, cơ quan đơn vị có nhu cầu, Đảng có đề xuất, họ có nguyện vọng thì có thể giữ lại. Đây phải là những trường hợp hết sức đặc biệt, coi là nhân tố trí tuệ cao.

Trả lời về việc tăng tuổi nghỉ hưu có "ngáng chân" giới trẻ, ông Lợi cho rằng khi ra trường, sinh viên xuất sắc không phải đưa vào theo chỉ tiêu kế hoạch của thời bao cấp mà đều phải qua thi tuyển, tuyển chọn, không phải phân bổ nên không thể nói mất cơ hội.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng nhấn mạnh: "Nếu không có chỗ để ngồi thì các cháu cũng không thể thi. Đây cũng là chuyện phải bàn".

"Tôi vẫn mong muốn tuân thủ chính sách giữ chức vụ lãnh đạo không quá 2 nhiệm kỳ. Những người ở lại kéo thêm sau 5 năm thì chủ yếu làm chuyên môn", ông Lợi đề xuất và giải thích thêm, người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ việc nâng tuổi hưu lên 5 năm thì sợ các lãnh đạo ngồi giữ ghế, nhưng Đảng đã quy định không giữ vị trí quá 2 nhiệm kỳ.

"Như tôi đã nói ở trên, nếu anh ở lại, chỉ nên làm chuyên môn, làm chuyên gia, còn nếu làm quản lý thì phải trường hợp thật sự đặc biệt, cơ quan tổ chức đó cần và không có người thay thế. Người nào biết làm lãnh đạo, giỏi làm lãnh đạo thì cũng biết kết thúc lúc nào", ông Lợi nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn